Tại Nhật Bản, các quy tắc trên bàn ăn rất được xem trọng. Trong đó, thái độ lịch sự và việc bày tỏ lòng biết ơn là yếu tố quan trọng nhất. Ẩm thực Nhật Bản (hay còn gọi là "washoku") đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể, với những quy tắc đặc biệt cũng như nghi thức độc đáo có lịch sử và truyền thống lâu đời.
Lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu những quy tắc cơ bản trên bàn ăn của người Nhật, và những điểm quan trọng mà người nước ngoài nên biết khi dùng bữa tại Nhật Bản.
Nói “Itadakimasu” trước bữa ăn và "Gochisousamadeshita" sau bữa ăn
Dù ở nhà hay ở nhà hàng, người Nhật đều sẽ chắp hai tay lại và nói “Itadakimasu'' ngay trước khi ăn, và “Gochisousamadeshita'' sau khi ăn xong.
"Itadakimasu” được dùng để bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần, và người đã chuẩn bị bữa ăn. Câu nói này rất quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, và được sử dụng để thể hiện lòng biết ơn đối với thiên nhiên và mọi người xung quanh.
"Gochisousamadeshita" thường được sử dụng sau khi ăn xong để bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã mang đến cho họ bữa ăn. Câu nói này cũng được sử dụng khi một người được ai đó khao, chiêu đãi bữa ăn.
Tại sao người Nhật lại dùng đũa thay vì thìa và nĩa?
Người Nhật thường sử dụng đũa thay vì thìa, nĩa khi ăn. Nguồn gốc về việc dùng đũa có nhiều giả thuyết khác nhau, và được cho là bắt nguồn từ thời Yayoi (thế kỷ 9-8 TCN đến thế kỷ 3 SCN). Đây là thời điểm Nữ hoàng Himiko cai trị vương quốc Yamatai-koku (một trong những quốc gia được cho là đã từng tồn tại trong quần đảo Nhật Bản). Vào thời bấy giờ, đũa không được dùng để ăn, mà được dùng để dâng thức ăn lên thần linh. Các loại đũa vào thời bấy giờ được làm từ tre rồi bẻ ra làm đôi.
Văn hóa sử dụng đũa trong bữa ăn bắt đầu vào thời Asuka, khoảng 1400 năm trước. Khi sứ giả Ono no Imoko đến nhà Tùy (triều đại Trung Quốc vào thời đó), ông đã mang văn hóa Trung Quốc về Nhật Bản. Vào thời điểm đó, ở Trung Quốc đã có văn hóa ăn cơm bằng đũa, và Thái tử Shotoku đã đưa văn hóa ăn bằng đũa vào các bữa ăn của triều đình. Từ đó, đũa đã bắt đầu phổ biến rộng rãi hơn ở Nhật Bản. Vào thời bấy giờ, đũa chủ yếu được làm bằng tre chứ không phải gỗ.
Trong những quyển sách cổ nhất của Nhật Bản như “Kojiki (古事記)” và “Nihon Shoki (日本書紀)” có viết rằng đũa đã tồn tại ở Nhật Bản từ thời xa xưa. Trong sách cũng đề cập đến truyền thuyết thần Susanoo no Mikoto nhìn thấy đũa trôi theo dòng sông. Đến thời Heian, việc ăn bằng đũa đã trở nên phổ biến đối với mọi người dân Nhật Bản.
Cách sử dụng đũa đúng cách
Khi đến các nhà hàng ở Nhật Bản, bạn sẽ thường được cung cấp đũa. Ở Nhật cũng có những quy tắc về cách sử dụng đũa.
Việc sử dụng phần đầu đũa từ 1.5~3cm để ăn, và không làm đũa bị vấy bẩn quá nhiều được cho là điều cơ bản. Hiện nay thì việc sử dụng phần đầu đũa khoảng 4cm để ăn đã được chấp nhận. Khi lấy đũa, trước tiên chúng ta dùng tay phải để cầm đũa lên, rồi đặt phần đầu đũa (đầu gắp thức ăn) ở trên lòng bàn tay trái, sau đó dùng tay phải để cầm lấy phần thân đũa và gắp thức ăn. Đây được xem là 3 bước đúng cách khi lấy đũa.
Để biết thêm về quy tắc dùng đũa, bạn có thể tham khảo thêm bài viết “NÊN hay KHÔNG NÊN? Câu chuyện đôi đũa ở Nhật”. Khi dùng bữa tại một nhà hàng Nhật Bản, bạn hãy lưu ý những quy tắc như vậy và thưởng thức món ăn thật ngon miệng nhé.
Và nếu dùng bữa bằng đũa, bạn có thể chuẩn bị đồ gác đũa để bữa ăn trông đẹp mắt hơn. Bộ đũa kèm theo đồ gác đũa cũng sẽ là lựa chọn lý tưởng để bạn làm quà tặng cho người thân sau chuyến du lịch Nhật Bản.
Cách sử dụng khăn ướt (oshibori) đúng cách
Khi vào các nhà hàng ở Nhật Bản, bạn sẽ được phục vụ nước, hoặc trà và khăn ướt (còn gọi là “oshibori” trong tiếng Nhật). Vậy bạn có biết lý do tại sao họ lại đưa khăn ướt cho bạn không?
Vào thời Edo (1603-1867), các loại khăn tay bằng vải bông đã bắt đầu phổ biến. Tại cửa ra vào của các quán trọ “hatago” thời bấy giờ thường đặt thùng nước và khăn tay dành cho các lữ khách đường xa, để họ có thể lau sạch tay chân khi đến.
Nhật Bản là quốc gia có bốn bề là biển, khí hậu nóng ẩm vào mùa hè nên người dân tại đây dễ đổ mồ hôi. Tính cách vốn ưa sạch sẽ của người Nhật được cho là yếu tố tạo nên văn hóa sử dụng khăn ướt “oshibori”. Tên gọi "oshibori" có nguồn gốc từ thời Edo, chỉ hành động vắt khăn ướt (trong tiếng Nhật gọi là “shiboru”) để lau tay và chân bẩn.
Ngày nay, khăn ướt “oshibori” đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Nhật. Và khi đi ăn tại các nhà hàng hay quán nhậu, sẽ có cách sử dụng và quy tắc đúng đối với việc sử dụng khăn ướt.
Trường hợp khăn ướt được đặt sẵn trên bàn ăn
- 1. Mở khăn ướt ra.
- 2. Lau cả hai tay thật sạch.
- 3. Gấp khăn lại và đặt lại ở vị trí ban đầu.
Trường hợp nhân viên đưa khăn ướt cho bạn
- 1. Dùng tay phải nhận lấy khăn và nói “Arigatou gozaimasu (Cảm ơn)”.
- 2. Lau cả hai tay thật sạch.
- 3. Gấp khăn lại và đặt ở trên bàn.
Trường hợp sử dụng khăn giấy ướt (loại dùng cho 1 lần)
- 1. Nhận lấy khăn giấy và tìm logo chứng nhận vệ sinh (衛生マーク) có trên bao bì khăn giấy.
- *Logo chứng nhận vệ sinh (衛生マーク) là loại logo chứng nhận an toàn vệ sinh của sản phẩm tiêu dùng.
- 2. Xé bao bì và lấy khăn giấy ra. Sau đó gấp gọn bao gì lại hoặc nhờ nhân viên cửa hàng vứt đi.
- 3. Lau cả hai tay thật sạch.
- 4. Gấp khăn lại và đặt ở trên bàn.
Nếu bạn lỡ tay làm đổ thứ gì đó, thì hãy gọi nhân viên cửa hàng và nhận khăn lau bàn để lau sạch.
Quy tắc “ăn hết thức ăn trong bữa ăn” tại Nhật
Trên bàn ăn Nhật Bản, việc ăn hết cơm và các món ăn được xem là quy tắc cơ bản. Đây được cho là cách mà chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã chuẩn bị thức ăn, và những người đã làm ra nguyên liệu cho bữa ăn đó.
Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm hoặc không thể ăn được một món nào đó, thì bạn nên xác nhận nguyên liệu với nhân viên cửa hàng trước khi gọi món, để không phải chừa lại thức ăn.
Việc ăn hết thức ăn mang ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã làm ra món ăn cho chúng ta. Nhưng nếu lượng thức ăn quá nhiều và bạn không thể ăn hết vì quá no, thì bạn không cần phải cố gắng quá sức.
Sự khác biệt văn hóa về việc húp xì xụp khi ăn mì
Bạn đã từng thấy người Nhật tạo ra tiếng húp xì xụp khi ăn mì ramen hoặc udon chưa? Hành động này thường bị xem là thiếu lịch sự ở nhiều nước (bao gồm cả Việt Nam), nhưng ở Nhật thì lại khác. Hành động này có liên quan đến hai yếu tố “văn hóa” và “truyền thống”, và việc húp nước súp ngon lành đến mức tạo ra âm thanh được xem là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với người đã làm ra món ăn. Tuy nhiên, hành động này chỉ được thực hiện đối với các món có nước súp hoặc mì.
Bạn cảm thấy thế nào sau khi đọc bài viết này? Chúng tôi mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn, khi bạn có dịp đi ăn cùng người Nhật, hoặc đến các nhà hàng, quán nhậu “izakaya” trong chuyến du lịch Nhật Bản.
Comments