Nhập gia tùy tục - việc cầm đũa ăn tưởng chừng như vô cùng đơn giản với bất cứ người Việt nào, thế nhưng cầm đũa đúng cách thức văn hóa Nhật lại là một câu chuyện khác. Nhật Bản vốn là một quốc đảo cô lập với thế giới bên ngoài qua hàng trăm năm, với bề dày văn hóa truyền thống lịch sử nổi tiếng với những quy tắc luật lệ vô cùng nghiêm ngặt, việc cầm đũa như thế nào cho đúng cách vì thế cũng không hề đơn giản.
Học cách cầm đũa đúng kiểu Nhật chắc chắn sẽ giúp trải nghiệm ẩm thực của bạn thêm phần phong phú và sâu sắc, nhất là vào những dịp trang trọng hay đi công tác làm ăn ở Nhật.
Dưới đây là một vài hướng dẫn cơ bản để bạn có thể gây ấn tượng với bạn bè Nhật Bản chỉ bằng việc cầm đũa.
Trân trọng chính đôi đũa
Hãy luôn luôn dùng cả hai tay khi nhận đũa từ người khác hoặc khi mới cầm đũa lên bắt đầu bữa ăn. Cũng giống như thìa hay dĩa, đừng nghịch đũa hay cầm đũa trỏ vào ai trong khi ăn. Đặc biệt, đừng bao giờ dùng đũa gõ gõ vào bát ăn như đánh trống, việc này được coi là vô cùng vô lễ.
Hãy cầm đũa như hình minh họa
Với người Việt việc cầm đũa vốn là một phản xạ vô cùng tự nhiên, tuy nhiên mỗi người lại cầm theo một cách khác nhau: có người cầm bằng ba ngón tay (ngón cái, trỏ, giữa), có người cầm bằng bốn ngón tay (dùng cả ngón út), người cầm cao, người cầm thấp,... Đúng theo kiểu Nhật thì bạn phải cầm bằng bốn ngón tay: dùng ngón trỏ và ngón giữa giữ một chiếc và dùng ngón cái để điều khiển chiếc đũa khi gắp, chiếc còn lại thì đặt nhẹ trên ngón áp út; phần cầm đũa cách đầu gặp 2/3 chiều dài đũa. Luôn luôn giữ cho chiếc đũa thứ hai không xe dịch trên ngón áp út. Nghe có vẻ rất phức tạp phải không? Tuy nhiên, hãy thử điều chỉnh lại cách cầm đũa của bản thân theo đúng kiểu Nhật xem, có lẽ bạn sẽ thấy cầm kiểu này vừa đẹp mắt vừa dễ điều khiển việc gắp món ăn đó.
Đặt đũa đúng cách
Đa phần các nhà hàng nào cũng sẽ đưa bạn cái đặt đũa - hay còn gọi là hashioki. Khi không dùng đến đũa, hãy nhẹ nhàng đặt đũa lên hashioki. Tuy nhiên trong trường hợp nhà hàng không phục vụ hashioki, hãy cố gắng để đũa thật ngay ngắn tại chỗ bàn mình. Bạn cũng có thể thử sáng tạo một chút bằng cách gấp hashioki từ phần vỏ bao đũa như video hướng dẫn dưới đây. Luôn nhớ đặt đũa nằm ngang vì kể cả khi không dùng đến, việc để đũa chỉ vào ai vẫn bị coi là hành vi thất lễ.
Xem thử video này và gấp hashioki theo chúng mình nhé!
立て箸(Tatebashi) - Đừng bao giờ dựng thẳng đũa cắm vào bát cơm!
Người Nhật chỉ làm như này khi cúng cơm cho người đã khuất, vì thế đừng bao giờ cắm đũa vào bát. Nhiều người còn cho rằng làm như thế này sẽ đem lại vân xui cho bạn.
刺し箸(Sashibashi) - Đừng dùng đũa để chọc thức ăn!
Đúng vậy! Đừng dùng đũa để bới hay chọc thức ăn, việc này rất thất lễ. Đũa luôn luôn phải dùng hai chiếc với nhau.
渡し箸(Watashi-bashi) - Đừng đặt đũa ngang trên bát!
Đặt đũa ngang trên bát trong khi bát vẫn còn thức ăn có nghĩa là bạn không muốn ăn nữa và nhiều đầu bếp có thể cảm thấy bị xúc phạm. Vậy nên như chúng mình đã giới thiệu ở trên, hãy cố gắng tận dụng hashioki - cái đặt đũa nhé!
指し箸 (Sashi-bashi) - Đặt đũa xuống khi bạn cần dừng để nói chuyện
Bạn có hay chuyển động tay khi nói không? Nếu có thì bạn càng nên đặt đũa xuống khi cần dừng để nói chuyện, trước khi bạn vô thức cầm luôn cả đũa quăng qua quăng lại. Hãy nhớ việc cầm đũa chỉ vào ai, dù cố ý hay vô tình, cũng đều coi là rất bất lịch sự: đũa chỉ được dùng để ăn thôi.
箸渡し (Hashi-watashi) Đừng dùng đũa để gắp chuyền thức ăn
Người Nhật có tập tục dùng đũa để gắp chuyền xương cốt người chết để cho vào hũ xương cốt. Thế nên đừng bao giờ cầm đũa gắp chuyền thức ăn vì đây là điều tối kị trên bàn ăn của người Nhật.
Comments