Mình tên là Luthfan, hiện mình đang là sinh viên tại một trường đại học nghiên cứu quốc gia tại Tokyo, chuyên ngành Khoa học Thông tin. Nếu bạn chưa từng nghe đến ngành này thì bạn có thể hình dung nó giống như ngành Khoa học máy tính và tin học nhưng chuyên sâu vào toán học hơn.
Tại sao mình lại quyết định học tiếp lên Cao học?
Là một sinh viên năm cuối đại học, mình luôn băn khoăn việc nên dừng “công cuộc” học ở đây và đi làm hay tiếp tục theo lên cao học. Tuy nhiên, là sinh viên ngành khoa học, mình nghĩ việc học tiếp là một lựa chọn rất hợp lý và đúng đắn, mặc dù đương nhiên vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng để mình cân nhắc thêm.
Điều đầu tiên, mình khá yêu thích lĩnh vực mình đang học đó là lập trình ngôn ngữ. Những tháng đầu trải nghiệm nghiên cứu đã củng cố thêm động lực cho mình để học lên cao học. Nghiên cứu thực sự không phải dành cho tất cả mọi người, có người nghĩ việc nghiên cứu rất nhàm chán và không thực tế, nhưng người khác lại cảm nhận được sự thú vị khi có thể tự mình vượt ra khỏi mọi giới hạn của lĩnh vực họ đang theo đuổi.
Bên cạnh đó, mình cũng muốn học thêm về khoa học thông tin. Việc theo tiếp Cao học giúp mình tiếp cận thêm những kiến thức mà ở chương trình đại học chưa được bàn đến. Và hiển nhiên, bạn sẽ không bao giờ phải thất vọng về những điều mới lạ đâu!
Tham gia vào khoá cao học tại Nhật Bản
Gần đây, Nhật Bản đang thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế bởi các ngôi trường đại học tại đây bắt đầu “cởi mở” hơn và giới thiệu các chương trình học đa dạng hơn. Tuỳ thuộc vào từng trường đại học sẽ có những phương thức tuyển sinh khoá cao học khác nhau.
Đối với trường hợp của mình, vì mình đang học chương trình đại học giống với các bạn người Nhật nên quá trình đăng ký vào cao học của mình cũng sẽ phải trải qua kỳ thi viết và phỏng vấn như bình thường. Kỳ thi viết sẽ bao phủ các nội dung kiến thức mình đã học tại năm 2 từ toán cơ bản đến vi phân và đại số tuyến tính. Còn về phần phỏng vấn thì khá căng thẳng. Tổng cộng có khoảng 20 giáo sư ngồi phỏng vấn mình và hỏi một số câu cơ bản như về những dự định của mình trong vòng 2 năm tới.
Tuy nhiên, đối với những bạn đăng ký khoá học cao học từ nước ngoài, quy trình tuyển chọn sẽ bớt gắt gao hơn bởi bạn chỉ cần phải phỏng vấn với giáo sư chuyên về lĩnh vực bạn quan tâm mà thôi. Vì vậy, nếu bạn có một bảng thành tích không tồi chút nào khi còn học đại học thì cứ dũng cảm mà đăng ký vào chương trình cao học tại Nhật Bản nhé. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng mỗi trường sẽ có một cách tuyển sinh khác nhau, nên bạn cứ chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng trước từ bây giờ là vừa đó. Nếu bạn có mối e ngại về khoản học phí, thì đừng quá lo lắng vì tại Nhật Bản có rất nhiều các tập đoàn, tổ chức lớn cung cấp các loại học bổng khá “kếch xù” cho những bạn sinh viên quốc tế xuất sắc đấy!
Nếu bạn muốn apply cao học tại Nhật từ Việt Nam, hay những nước khác ngoài Nhật, điều đầu tiên bạn phải làm là chọn một lĩnh vực nghiên cứu bạn hứng thú. Sau đó, hãy tìm giáo sư chuyên về lĩnh vực của bạn, liên hệ với họ và giới thiệu đôi chút về bản thân cũng như dự định của bạn trong tương lai. Bạn có thể xem trên trang chủ của ngôi trường bạn muốn theo học và tìm hiểu thông tin về các giáo sư nhé. Các giáo sư sẽ đánh giá bạn qua thành tích học tập ở trường đại học cũng như chủ đề nghiên cứu bạn có hứng thú.
Chương trình thạc sỹ và đời sống tại Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới, vì vậy không còn nghi ngờ gì về quyết định học tập tại đây. Chương trình thạc sỹ tại Nhật cũng giống với các nước khác. Bạn sẽ phải hoàn thành đủ số tín chỉ yêu cầu bằng việc tham gia vào các lớp học liên quan đến lĩnh vực bạn quan tâm. Cùng lúc đó bạn cũng phải dự lớp seminar với giáo sư hướng dẫn để hoàn thành luận văn của mình. Từ năm thứ 2 trở đi bạn sẽ tập trung hơn vào các tiết seminar với giáo sư của bạn để có thể đầu tư kỹ lưỡng vào đề tại bạn chọn.
Thêm vào đó, cuộc sống tại Nhật Bản cũng sẽ cho bạn những trải nghiệm độc đáo và thú vị. Không khí trong lành, thành phố văn minh, an toàn, nền ẩm thực đa dạng và các lễ hội văn hoá đặc sắc luôn đón chờ bạn tham gia trong thời gian học tập ở đây. Ngoài ra, hệ thống giao thông hiện đại sẽ làm cho cuộc sống sinh hoạt của bạn trở nên thuận tiện hơn rất nhiều đó.
Tại các trường đại học luôn có trung tâm hỗ trợ sinh viên quốc tế, tạo điều kiện cho bạn có thể kết nối với các sinh viên nước ngoài khác cũng như sinh viên Nhật Bản. Vì vậy bạn sẽ không bao giờ thấy buồn nữa đâu vì lúc nào cũng sẽ có các sự kiện giao lưu từ các tổ chức địa phương giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm nền văn hoá Nhật Bản. Vài tuần trước, mình có tham gia một tour trải nghiệm đến đền Ikegami Honmonji, nơi mình được tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của ngôi đền cũng như tham gia khoá học viết thư pháp và mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản.
Lời khuyên dành cho những bạn có ý định du học tại Nhật Bản
Với những bạn muốn du học bậc đại học tại Nhật Bản, bạn có thể apply các chương trình học bổng nổi tiếng như học bổng MEXT, hoặc apply trực tiếp vào các trường đại học có nhiều chương trình dành cho sinh viên quốc tế ví dụ như trường Asia Pacific University (APU) ở Kyushu. Và nếu bạn muốn tự mình apply vào các trường không phổ biến với sinh viên nước ngoài, thì hãy chắc chắn bạn có trình độ tiếng Nhật thành thạo để có thể theo kịp với các bạn cùng khoá người Nhật tại bậc đại học nhé.
Còn đối với những bạn muốn apply khoá cao học tại Nhật Bản, trừ ngành nhân văn, bạn không cần trình độ tiếng Nhật quá cao để có thể theo học ở đây. Dĩ nhiên, bạn cũng vẫn cần phải có tiếng Nhật giao tiếp để giúp cuộc sống tại Nhật của bạn bớt phần khó khăn hơn. Bạn có thể bắt đầu tìm kiếm học bổng du học tại Nhật Bản từ bây giờ, để sau khi tới Nhật bạn sẽ không phải lo lắng về tài chính mà chỉ cần tập trung vào việc học thôi nhé.
Comments