Nhật Bản có địa hình hẹp trải dài Bắc Nam từ Hokkaido đến Okinawa. Thiên nhiên khí hậu cũng như tập quán văn hóa mỗi vùng miền vì thế cũng có sự đa dạng, nhiều màu sắc khác nhau.
Với chuyên mục "Đặc sản mỗi miền - Dạo quanh 47 tỉnh thành Nhật Bản" chúng mình hi vọng sẽ phần nào giúp các bạn hiểu hơn về đặc tính từng vùng và vì thế chuyến đi của các bạn sẽ nhiều những trải nghiệm văn hóa sâu sắc hơn. Bài viết hôm nay là về tỉnh Aichi.
Dè xẻn nhưng thích phô trương
Có lẽ vì trong quá khứ, gia tộc Owari trị vì Nagoya từng khuyến khích lối sống tiết kiệm chi tiêu dè xẻn nên người dân tỉnh Aichi khá là chi li về vấn đề tiền nong. Đối với họ, quan trọng nhất là phải rẻ, phải có tính thực tế hữu dụng. Họ cũng không dễ dàng tin người ngoài nên thường giữ tiền tiết kiệm tại nhà.
Thế nhưng họ lại thích phô trương, khoe khoang. Vì người dân Aichi không dễ dàng tin tưởng người khác nên phải mất một khoảng thời gian may ra mới trở nên thân thiết với họ được.
Vừa ở bờ Đông mà vừa lại ở bờ Tây
Tỉnh Aichi thuộc khu vực Chubu, vùng Trung Bộ Nhật Bản. Nếu bạn tra từ điển định nghĩa vùng Kanto (Đông Nhật Bản), bạn sẽ thấy "khu vực nằm ở bờ đông nước Nhật bao gồm vùng Chubu"; còn định nghĩa vùng Kansai (Tây Nhật Bản) lại là "khu vực nằm ở bờ tây nước Nhật bao gồm vùng Chubu". Chubu quả đúng là vùng ở giữa, Đông cũng được mà Tây cũng được!
Ý thức lái xe kém nhất Nhật Bản!
Ý thức lái xe kém bậc nhất của người dân tỉnh Aichi thì khỏi bàn rồi, tỉ lệ tai nạn giao thông xảy ra ở đây cao đến mức đứng đầu toàn quốc 15 năm liên tiếp (số liệu tính đến năm 2018). Trong những năm gần đây người ta còn sáng tạo ra cụm từ "Chạy kiểu Nagoya" (Nagoya-bashiri) để ám chỉ thói quen cũng như kĩ năng lái xe của tài xế tỉnh Aichi tệ không tỉnh nào sánh ngang bằng! Đèn vàng có là gì, họ cứ đi thôi, mà kể cả đèn có đỏ cũng chả xi-nhê gì, họ sẽ quan sát đường một xíu rồi lại phóng đi tiếp, kệ đèn. Thế nên khi tham gia giao thông ở đây, dù bạn có tuân thủ luật hay chỉ đi bộ trên vỉa hè thôi bạn cũng phải cẩn thận đó nhé.
Cà phê bữa sáng tuyệt hảo!
Các quán cà phê ở Nagoya thường phục vụ bánh mì nướng và trứng luộc cho bữa sáng. Có những quán phục vụ bánh mì, trứng, salad ăn thoải mái, đồ uống, tất cả chỉ hết có 500 Yên! Người dân Nagoya có thói quen uống cà phê sau khi tản bộ buổi sáng, thế nên những bữa sáng no đủ như này sẽ giúp bạn nạp đầy năng lượng cần thiết sau chút vận động nhẹ nhàng. Ngoài ra, có thể bạn không biết, những quán cà phê truyện tranh đầu tiên xuất hiện ở Nagoya. Nghe nói ban đầu họ dùng truyện tranh làm phương thức thu hút thêm nhiều khách hàng đến quán.
Không có miso đỏ không sống được!
Thịt cốt lết kèm tương miso, mì udon miso, oden miso, v.v gi gỉ gì gi món gì ở tỉnh Aichi cũng phải đi kèm với tương miso đỏ. Khi bạn mua oden từ siêu thị sẽ được tặng kèm một gói tương miso nhỏ. Trong siêu thị khu vực miso chiếm diện tích chả kém gì các loại sốt và xì dầu.
Starbucks ✖ Komeda Coffee ✔
Dân Aichi rất tự hào với chuỗi cửa hàng cà phê "Komeda Coffee", được thành lập năm 1968. Đây chính là điểm đến thư giãn buổi sáng của các gia đình, các vị khách đứng tuổi trong nhiều năm nay. Komeda Coffee là sự kết hợp giữa quán cà phê và nhà hàng gia đình, với menu vô cùng phong phú đa dạng các loại đồ ăn đồ uống, khẩu phần cũng rất hào phóng. Trên hình là món nổi tiếng nhất của Komeda Coffee, tên là "Shiro Noir". Sofa ghế ngồi vô cùng êm ấm thoải mái, đã ngồi xuống là bạn liền không muốn đứng dậy. Trong cửa hàng còn có rất nhiều sách báo tạp chí nữa. Đây chính là cửa hàng điển hình cho cung cách ngành dịch vụ của Nhật Bản.
Lễ cưới luôn luôn vô cùng hoành tráng
"Dân Nagoya rất thích phô trương". Ví dụ điển hình cho câu nói này chính là lễ cưới của họ. Ngày trước mọi người hay đùa, "Nhà nào ở Nagoya mà có 3 đứa con gái kiểu gì cũng sạt nghiệp", "Lấy vợ thì đến Nagoya". Đám cưới ở Nagoya thường rất linh đình hoành tráng, với xe tải chất đầy của hồi môn diễu hành khắp phố. Ngoài ra ở đây còn có tập tục trước khi cô dâu chú rể tiến vào lễ đường, từ trên tầng hai sẽ ném ra các túi bánh kẹo to như cái gối để mọi người thi nhau bắt lấy, nhặt lấy.
Có rất nhiều đặc điểm vùng miền mà ở vùng này thì bình thường nhưng ở vùng khác lại không thể chấp nhận được. Vì vậy hãy nhớ theo dõi đón đọc số kế tiếp của chuyên mục "Đặc sản mỗi miền - Dạo quanh 47 tỉnh thành Nhật Bản".
Và đừng quên cho chúng mình biết những tỉnh thành nào mà bạn có hứng thú muốn tìm hiểu nữa nhé :)
Comments