Nếu bạn thử thuê phòng Airbnb ở Nhật hẳn bạn sẽ gặp không ít bất ngờ thú vị. Chả nói đâu xa, trước tiên ngay cái phòng tắm đã là một "chân trời khác rồi"! Bạn hẳn sẽ nhận thấy điểm khác biệt lớn nhất chính là có một phòng riêng cho bồn cầu, ngăn cách với phòng "chỉ để tắm". Hoặc cũng có khi tất cả bồn cầu, bồn tắm, bồn rửa mặt được tích hợp hết lại trong một không gian nhỏ gọn, gọi là "Unit Bath". Nhiều hộ gia đình ngày nay có hệ thống nước nóng tự động, nếu bạn không rành tiếng Nhật có thể sẽ khá bỡ ngỡ trong lần đầu sử dụng. Để chuẩn bị tâm lý "sẵn sàng đi tắm", hôm nay hãy cùng chúng mình tìm hiểu về "văn hóa phòng tắm" của Nhật Bản nhé.
Toilet có phòng riêng
Ở đa phần các hộ gia đình thì bồn cầu sẽ có nguyên một phòng riêng ngăn cách với phòng tắm. Trong phòng toilet thường cũng không có luôn bồn rửa, thay vào đó bồn cầu sẽ được thiết kế với một vòi chảy ở trên, khi bạn xả nước bồn cầu sẽ bơm nước lên làm đầy bình chứa khiến cho nước chảy ra từ vòi. Thường thì nước này không phải để rửa tay, nhưng mà rửa cũng không sao đâu ^^
Chỗ bồn rửa mặt cũng là chỗ thay quần áo
Bồn rửa mặt thì chắc chắn ở trong phòng tắm. Chỗ đặt bồn rửa mặt được gọi là “senmenjo", thường thì nhiều nhà cũng đặt máy giặt ở đây làm chỗ giặt đồ luôn. Thường cũng sẽ có vách nhỏ phân biệt chỗ bồn rửa mặt với chỗ bồn tắm, nơi bạn "thực sự tắm", thế nên chỗ bồn rửa cũng sẽ là nơi bạn thay quần áo luôn. Khỏi nói gì thêm, nhà nào mà nhiều người thì chỗ này buổi sáng "nhộn nhịp" phải biết!
Chỗ bạn "thực sự" tắm
Chỗ mà bạn sẽ "thực sự" tắm thường chỉ là cái bồn tắm được đặt trong không gian hẹp với vòi hoa sen. Cấu trúc nhà tắm thể hiện rõ ràng nhất những nét độc đáo văn hóa phòng tắm thuộc riêng về Nhật. Nếu bạn có dịp trải nghiệm đến nhà tắm công cộng hoặc suối nước nóng ở Nhật bạn sẽ nhận ra ngay. Thường thì trước khi vào bồn ngâm bạn phải cả tắm lẫn gội thật sạch sẽ. Thế nên các phòng tắm trong hộ gia đình cũng được thiết kế tương tự, với một chút không gian để tắm rửa sạch sẽ ngoài bồn. Nước trong bồn tắm luôn luôn được giữ sạch, vì mọi người sẽ cùng sử dụng nước đó để ngâm mình. Ngày nay tập quán tắm rửa này cũng không quá khắt khe nữa, nhiều người Nhật thực ra cũng chỉ tắm vòi hoa sen cho nhanh gọn chứ không ngâm bồn. Đa phần người Nhật có thói quen tắm tối, thế nhưng cũng không ít người quen tắm sáng hơn, thậm chí ngày hai lần cả sáng lẫn tối.
Hướng dẫn sử dụng nhà tắm
VÌ nhiều nhà hiện nay có trang bị hệ thống nước nóng tự động nên nếu bạn không rành tiếng có lẽ bạn sẽ có chút bối rối khi lần đầu vào phòng tắm Nhật. Cũng giống như hệ thống điều hòa, hệ thống nước nóng có rất nhiều chế độ cho bạn tùy chọn. Có khi bạn sẽ bắt gặp chế độ "Oidaki", cho phép bạn rút lại nước trong bồn tắm để dành cho lần sử dụng tiếp theo. Ngoài ra, nhiều nhà cũng có trang bị quạt thông gió để phòng tắm luôn khô ráo, thậm chí còn giúp hong khô quần áo.
Tối ưu hóa không gian sử dụng với Unit Bath
Các căn hộ với diện tích khiêm tốn hơn thường sẽ chỉ có Unit Bath. Như chúng mình đã giải thích ở trên, Unit Bath là tổ hợp bồn tắm, bồn rửa mặt, và bồn cầu, tất cả gói gọn trong một không gian nhỏ gọn, phục vụ đầy đủ các chức năng bạn cần ở một phòng tắm. Vòi sen thường sẽ được trang bị ngay phía trên chỗ bồn tắm và bạn sẽ đứng trong bồn để tắm luôn. Thế nên với những bạn quen với phòng tắm to rộng như bên Việt Nam mình, sang Nhật có lẽ sẽ thấy Unit Bath hơi bị chật hẹp quá.
Phòng tắm chính là một phần quan trọng không thể thiếu của mỗi căn nhà. Với người Nhật, phòng tắm còn là nơi thư giãn sau một ngày dài làm việc. Đúng là như vậy, còn gì tuyệt hơn khi được ngâm mình trong bồn nước vào một ngày đông trời lạnh, hay xả mình dưới dòng nước mát trong một ngày hè nóng nực. Nếu có dịp ghé Nhật, bạn nhớ chú ý những đặc điểm độc đáo của phòng tắm mà chúng mình vừa kể trên nhé.
Comments