Nhật Bản có địa hình hẹp trải dài Bắc Nam từ Hokkaido đến Okinawa. Thiên nhiên khí hậu cũng như tập quán văn hóa mỗi vùng miền vì thế cũng có sự đa dạng, nhiều màu sắc khác nhau.
Lối suy nghĩ, nếp sống đặc trưng của người dân mỗi tỉnh đã được hình thành từ nhiều đời nay và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chúng mình nghĩ, với chuyên mục "Đặc sản mỗi miền - Dạo quanh 47 tỉnh thành Nhật Bản" này sẽ phần nào giúp các bạn hiểu hơn về đặc tính từng vùng và vì thế chuyến đi của các bạn sẽ nhiều những trải nghiệm văn hóa sâu sắc hơn. Ở số 3 này chúng mình xin giới thiệu đến các bạn tỉnh Kyoto với bề dày 1,200 năm lịch sử.
Cẩn thận nếu có ai khen mình?!
Ví dụ nhé, chẳng hạn nhân viên nhà hàng tình cờ "khen" bạn: "Mùi này thơm quá! Quí khách mua nước hoa này ở đâu vậy?", thì có lẽ bạn nên hiểu là "Mùi nước hoa này nồng quá, đừng dùng mùi nồng như này khi đến nhà hàng của chúng tôi!"
Hay nếu nhân viên nói với bạn: "Trẻ con nhà anh chị hiếu động nhỉ? Nhà cũng phải có trẻ con như thế này thì mới vui...", thì hãy hiểu là "Lũ trẻ nhà anh chị ồn ào quá. Anh chị phải nhắc con tử tế chứ!"
Khen mà thực chất không khen, góp ý mà không hề tỏ vẻ chê trách, lối diễn đạt kiểu này thật sự vô cùng khó nắm bắt, nhất là đối với người nước ngoài.
Đừng bao giờ mời ai đó về nhà mà đãi đồ tự nấu
Ở Kyoto có tập quán, nếu mời khách về nhà mà đãi đồ mình tự nấu thì sẽ bị coi là bất lịch sự. Vậy nên họ thường sẽ mua đồ về để mời khách. Ở Kyoto có rất nhiều cửa hàng chuyên phục vụ những món ăn nấu kiểu Kyoto truyền thống được trang trí vô cùng tinh tế đẹp mắt. Một vài cửa hàng còn cung cấp dịch vụ nấu ăn tại gia, họ sẽ đưa đầu bếp đến gian bếp nhà bạn và phục vụ ngay tại chỗ những món ăn tươi ngon nhất.
"Bạn có muốn dùng chút Bubuzuke không?" có nghĩa là "Xin hãy về đi ạ!"
Bubuzuke có nghĩa là Ochazuke, món cơm chan nước trà hoặc nước dùng cá cơm truyền thống của Nhật. Khi bạn đến thăm nhà ai đó ở Kyoto mà được hỏi là "Bạn có muốn dùng chút Bubuzuke không?" thì chắc chắn bạn sẽ không được mời Bubuzuke gì đâu, đừng nói có rồi ngồi đợi. Đây là cách nói khéo cho câu "Xin hãy về đi ạ!" Nếu bạn không hiểu ẩn ý uyển chuyển này mà cứ ngồi đó đợi Bubuzuke thật thì chủ nhà rất có thể sẽ cho rằng bạn là người không biết phép tắc đó. Có một vở Rakugo nổi tiếng (Rakugo có nghĩa là nghệ thuật kể chuyện dân gian Nhật Bản) chê cười những người không hiểu văn hóa Bubuzuke này. Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng văn hóa này chỉ thịnh hành ở tầng lớp đô thị.
Những biển chỉ dẫn khó hiểu
Những biển chỉ dẫn đường đi trong trung tâm Kyoto khá độc đáo và dễ khiến nhiều du khách nhầm lẫn. Bạn có thể sẽ bắt gặp những biển chỉ dẫn kiểu như "đi lên, đi xuống, đi về phía Tây, đi về phía Đông" chỉ ở Kyoto mà bạn chẳng bao giờ bắt gặp ở bất kì nơi nào khác tại Nhật. Thật ra "đi lên" nghĩa là đi về phía Bắc. Hệ thống đường ở Kyoto được thiết kế sao cho tất cả con đường đều hướng chính xác về phía Bắc, Nam, Đông, Tây, với mỗi ngã tư đèn giao thông được đặt tên tương ứng theo các hướng. Thế nên khi đã hiểu thế nào là "đi lên, đi xuống, đi về phía Tây, đi về phía Đông" và biết tên tòa nhà thì yên tâm là bạn sẽ không lạc được đâu.
Thật không? Kyoto mùa đông còn lạnh hơn cả Canada mà mùa hè lại nóng hơn cả Malaysia?!
Kyoto bao quanh bởi các dãy núi hẹp, vì thế nên vào mùa hè, các dãy núi này sẽ biến thành những bức tường khổng lồ ngăn không cho không khí lưu thông trong thành phố, khiến cho nơi đây trở nên vô cùng nóng nực. Vào mùa đông thì các dãy núi lại giữ lại những luồng không khí lạnh, khiến nơi đây đã lạnh càng lạnh thêm. Thế nhưng mùa anh đào ở Kyoto lại là nơi mĩ mãn nhất. Vả lại, ở Kyoto bạn có thể cảm nhận rõ rệt sự giao mùa của thời tiết khí hậu, cũng rất thi thú.
Có rất nhiều đặc điểm vùng miền mà ở vùng này thì bình thường nhưng ở vùng khác lại không thể chấp nhận được. Vì vậy hãy nhớ theo dõi đón đọc số kế tiếp của chuyên mục "Đặc sản mỗi miền - Dạo quanh 47 tỉnh thành Nhật Bản". Trong số tới chúng mình sẽ giới thiệu với các bạn tỉnh Osaka.
Và đừng quên cho chúng mình biết những tỉnh thành nào mà bạn có hứng thú muốn tìm hiểu nữa nhé :)
Comments