Với những bạn khao khát một bát mỳ ramen đạt chuẩn hương vị mà vẫn có thể chế biến nhanh gọn ngay tại nhà, hôm nay chúng mình sẽ chia sẻ vài mẹo vặt tưởng chừng vô cùng đơn giản, ấy thế mà hoàn toàn có thể nâng cấp bát mỳ của bạn lên một "tầm" mới. Với mỗi loại ramen khác nhau chúng mình sẽ mách bạn những "tip" nấu ăn riêng hay vài nguyên liệu bí mật gia truyền bạn không hề ngờ tới, thêm vào chỉ có ăn mê không có chỗ chê luôn!! Tất cả những bí kíp chúng mình sắp chia sẻ sau đây vô cùng đơn giản, nhớ làm theo thử xem tụi mình có nói đúng không nhé.
Đầu tiên phải kể đến "Shoyu Ramen" - Ramen vị nước tương Nhật
Topping thường thấy cho Shoyu Ramen là thịt heo quay, menma (măng khô), rong biển, rau chân vịt, chả cá Naruto. Nếu bạn muốn thay đổi topping bằng cách xào nhiều loại rau khác nhau với nước tương, mì ramen của bạn sẽ biến thành món "Sanmamen". Lần tới thử xào topping mà xem, chắc chắn sẽ đem lại cho bạn một trải nghiệm hương vị đầy bất ngờ. Rất nhiều người Nhật thích chế biến theo kiểu này vì rau sau khi xào lên sẽ khiến các bạn dễ ăn hơn và ăn nhiều hơn. Chúng mình sẽ để công thức làm Sanmamen ở dưới đây.
Nguyên liệu (một người ăn)
- Mì gói vị Shoyu: 1 gói
- Thịt tùy chọn: 50g (chúng mình đề cử thịt lợn cho đúng hương vị, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể chọn thịt gà hoặc bò tùy sở thích)
- Hành tây, ớt chuông xanh, giá, các loại rau khác tùy chọn: 100g
- Mirin: 2 thìa cà phê
- Tinh bột khoai tây nước: 2 thìa cà phê
Cách chế biến
- Dùng nồi đủ lớn để đun sôi nước. Chế lượng nước vừa đủ theo hướng dẫn in trên gói mỳ. Khi nước sôi thì cho lần lượt thịt đã thái sẵn và rau vào trong nồi. Sau đó cho mỳ vào và đảo đều, tắt lửa khi đã sôi.
- Cho gói gia vị có sẵn vào trong nồi, trộn đều, vớt mỳ và phần cái ra đĩa.
- Tiếp tục đun sôi nước trong nồi. Khi nước đã sôi thì giảm lửa, để lửa nhỏ, cho tinh bột khoai tây nước vào và khuấy đều.
- Đun cho đến khi nước dùng đặc sánh lại thì tắt lửa, chan nước dùng lên trên phần mỳ và cái.
Cho bơ lạc vào Miso Ramen!? Ramen tương đậu nành
Topping phổ biến cho món Miso Ramen là bơ và ngô. Nếu bạn không có bơ, bạn hoàn toàn có thể dùng bơ lạc thay thế. Hãy thêm khoảng 1- 2 thìa cà phê bơ lạc, gia giảm tùy khẩu vị của bạn để có được hương vị đậm đà thơm ngậy cho bát mì ramen.
Mọi người thường khuyên với miso ramen thì nên ăn kèm trứng lòng đào thay vì trứng ngâm “Ajitsuke Tamago”. Tuy nhiên chúng mình thấy ăn loại nào cũng có cái ngon của nó. Trứng lòng đào thì tan chảy trong khoang miệng chỉ ngay khi mới cắn một miếng, trứng ngâm thì hòa quyện thêm hương vị cho nước dùng. Mọi người cũng thường hay ăn miso ramen kèm giá và thịt xay. Nếu bạn thích ăn cay thì thử thêm một chút Rayu (dầu ớt) xem. Dưới đây là công thức của bọn mình cho món mì miso ramen cay.
Nguyên liệu (một người ăn)
- Mì gói vị Miso: 1 gói
- Thịt xay tùy chọn: 50g
- Muối tiêu vừa đủ
- Dầu hào: 1 thìa cà phê
- Giá: điều chỉnh lượng tùy chọn
- Dầu ớt: điều chỉnh lượng tùy chọn
- Dầu mè: 1 thìa canh
Cách chế biến
- Trong lúc luộc mì, cho thịt xay lên chảo xào và đảo đều, nêm với muối tiêu và dầu hào.
- Thêm giá và tiếp tục xào.
- Cho phần topping đã xào lên trên mì, thêm dầu ớt tùy theo độ cay bạn muốn.
Bất ngờ chưa: Với Shio Ramen bạn thỏa sức tùy ý biến hóa! Ramen "muối"
Những miếng thịt lợn xá xíu thái lát sẽ là lựa chọn topping tuyệt vời cho món Shio Ramen vì rất ngấm nước dùng. Bình thường bạn có thể đơn giản chỉ thêm bơ và ngô vào là được bát mỳ ngon lành rồi. Nhưng hãy thử cho thêm chút ngao vào xem. NGONNNN bất ngờ luôn!!! Vị ngậy đậm đà từ thịt ngao hòa trong nước súp, chắc chắn sẽ khiến bạn húp trọn không bỏ sót giọt nào. Nào, giờ cùng chúng mình xắn tay làm thử bát mì Shio Ramen với ngao và bơ thôi.
Nguyên liệu (một người ăn)
- Mì gói vị Shio (vị muối): 1 gói
- Ngao: 100 ~ 150g
- Bơ: 1 thìa canh
- Rượu: 1 thìa cà phê
- Hành lá vừa đủ
Cách chế biến
- Làm nóng chảo cho đến khi bơ tan. Cho ngao và hành lá vào đảo đều. Khi ngao chín (mở nắp) thì thêm rượu và đậy nắp chảo.
- Cậy mở to nắp ngao, sau đó lại đậy nắp chảo và đun lửa lim rim. Trong lúc đó đồng thời luộc phần mì.
- Cho mì ra bát, cho phần ngao lên trên và chan nước dùng. TADAA!!! Bạn đã có bát mì Shio Ramen với ngao và bơ vô cùng ngon lành.
Khỏi cần bàn cãi: Món mì ramen được yêu thích nhất chính là Tonkotsu Ramen - Ramen hầm xương lợn
Topping thường thấy cho món Tonkotsu Ramen là vừng, gừng đỏ thái chỉ, nấm đông cô, trứng luộc chín, thịt xá xíu thái miếng dày. Ngoài ra còn có tỏi nghiền hoặc tỏi khô. Thế nhưng không chỉ có mỗi thế, chúng mình rất rất đề cử bạn một loại topping nữa, đó chính là rau Takana ngâm (rau cải bẹ xanh Nhật Bản), để thêm hương vị đậm đậm cay cay. Hay là thêm một chút phô mai, chắc chắn bát mì của bạn càng thêm ngậy vị. Giờ thì lấy sổ lấy bút ra ghi lại công thức mật truyền của chúng mình nào!
Nguyên liệu (một người ăn)
- Mì gói vị Tonkotsu: 1 gói
- Rau Tanaka: lượng vừa đủ
- Bột phô mai: 1 thìa canh
- Vừng: 1 thìa cà phê
- Muối vừa đủ
Cách chế biến
- Chế nước vừa đủ theo hướng dẫn trên gói mì và cho rau Tanaka vào.
- Cho mì vào luộc cùng, đảo đều, thêm gói gia vị đi kèm và bột phô mai, xong đó đem cho ra bát ăn.
Sao rồi? Bạn thấy thế nào? Chúng mình hi vọng với vài mẹo vặt chúng mình mới chia sẻ ở trên bạn sẽ chế biến được những bát mì ngon miệng đầy hấp dẫn. Thật ra mà nói, ăn mì gói ở Nhật không chỉ đơn thuần mỗi việc ăn, mà còn là sự biến tấu thêm thắt các loại topping ăn cùng. Nhớ chia sẻ với chúng mình loại ramen bạn yêu thích nhất và loại topping bạn thấy hợp nhất nhé.
Comments