Ngày 5 tháng 5 là "ngày Tết thiếu nhi" ở Nhật Bản. Trong bài viết này, chúng mình sẽ giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết thiếu nhi, cũng như cách trải nghiệm và các món ăn phổ biến trong dịp này. Bên cạnh đó, chúng mình sẽ giới thiệu về các sự kiện và lễ hội thường được tổ chức vào ngày Tết thiếu nhi.
Ý nghĩa và nguồn gốc của ngày Tết thiếu nhi
Đầu tiên, chúng mình sẽ giải thích về ý nghĩa và nguồn gốc của ngày Tết thiếu nhi. Ngày 5 tháng 5 được biết đến là ngày Tết thiếu nhi và được mọi người yêu mến, nhưng bạn có biết ngày này đã ra đời như thế nào không? Hãy cùng nhau tìm hiểu về lịch sử của ngày Tết thiếu nhi nhé.
Phong tục đón "Tết Đoan Ngọ" bắt nguồn từ Trung Quốc
Ban đầu, ngày Tết thiếu nhi được gọi là ngày "Tết Đoan Ngọ", một ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Khoảng 2.300 năm trước, Khuất Nguyên (屈原) là Đại thần thân cận với vua nước Sở thời Chiến Quốc. Ông là người có ý chí công lý mạnh mẽ, thấu hiểu lòng dân, nên được vua và nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, những kẻ ghen ghét, đố kỵ với thành tựu của ông đã xúi giục nhà vua khiến cho Khuất Nguyên bị đi đày. Trên đường đi đày, nghe tin nước Sở mất, vì quá uất ức ông đã gieo mình xuống dòng sông Mịch La để tự vẫn.
Tương truyền rằng, người dân sợ cá ăn mất thi thể của Khuất Nguyên nên đã đem bánh chưng thả xuống sông cho cá ăn. Từ đó, hàng năm vào ngày 5 tháng 5 người dân lại làm bánh chưng thả xuống sống để làm lễ cầu siêu cho Khuất Nguyên. Về sau, ngày Tết Đoan Ngọ đã trở thành ngày lễ cầu nguyện cho sự bình an của đất nước.
Tết Đoan Ngọ trở thành sự kiện truyền thống của Nhật Bản vào thời Edo
Ở Nhật Bản, người dân bắt đầu ăn Tết Đoan Ngọ từ thời Nara. Tại cung điện người ta thường cắm hoa diên vĩ và ngải cứu lên mái nhà, và tổ chức các nghi lễ tránh tai ương. Những người phục vụ sẽ trang trí vương miện bằng hoa diên vĩ hoặc treo những quả cầu kusudama được làm từ lá cây hoa diên vĩ vào cột nhà.
Ngoài ra, các sự kiện như đua ngựa, bắn cung trên lưng ngựa cũng được tổ chức với ý nghĩa đánh bại quỷ dữ mang tai ương. Người dân cũng cắm hoa diên vĩ lên mái nhà, trẻ em thường chơi bắn cung nhỏ, hoặc chơi chọi đá Inji.
Vào thời Edo, Mạc phủ Tokugawa đã ấn định ngày 5 tháng 5 là ngày lễ quan trọng. Từ đó, Tết Đoan Ngọ đã trở thành một sự kiện truyền thống của Nhật Bản cho tới tận ngày nay. Theo thời gian, Tết Đoan Ngọ dần trở thành ngày chúc mừng sự sinh ra và trưởng thành của các bé trai.
Tại sao ngày 5 tháng 5 lại được chọn là ngày Tết thiếu nhi?
Tại sao ngày 5 tháng 5 lại được chọn là ngày Tết thiếu nhi? Hãy cùng tìm hiểu về ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ - nguồn gốc của ngày Tết thiếu nhi để tìm câu trả lời nhé.
Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa là "Thanh tẩy tà ma vào chiều đầu tháng 5". Vậy tại sao chiều đầu tháng lại mà lại chọn ngày mùng 5? Lý do đầu tiên là ngày 5 có cách phát âm nghe hay, lý do thứ hai là ngày 5 đồng âm với buổi chiều, cả 2 đều được đọc là ”Go (ご)”.
Vì những lý do trên, ngày 5 tháng 5 đã được quyết định là ngày Tết Đoạn Ngọ, đồng thời là ngày Tết thiếu nhi. Vào năm 1948, nó đã được chính thức công nhận là ngày lễ của Nhật Bản.
Ngày Tết thiếu nhi được tổ chức như thế nào?
Tiếp theo hãy cùng tìm hiểu về cách tổ chức ngày Tết thiếu nhi. Mỗi gia đình sẽ có những cách tổ chức đặc biệt cho ngày Tết thiếu nhi. Dưới đây, chúng mình sẽ giới thiệu 3 cách tổ chức phổ biến nhất. Hãy chú ý đến ý nghĩa của từng hoạt động nhé.
Treo cờ cá chép và cầu mong sự thăng tiến
Nói đến ngày Tết thiếu nhi, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cờ cá chép.
Cờ cá chép mang ước vọng rằng trẻ em sẽ thành công trong tương lai. Cá chép là loài cá có sức sống mạnh mẽ. Có một truyền thuyết liên quan đến sự ra đời của cờ cá chép từ loài cá này.
Ngày xưa, trên dòng sông Hoàng Hà của Trung Quốc có một thác nước dữ dội tên là Long Môn. Cá chép đã vượt thác thành công và biến thành rồng, bay lên trời. Như vậy, cá chép đã trở thành biểu tượng của sự thành công.
Ngoài ra, văn hóa treo cờ cá chép bắt đầu phổ biến từ thời Edo. Người ta cho rằng người dân tạo ra cờ cá chép để cạnh tranh với cờ Samurai.
Dải cờ ngũ sắc bắt nguồn từ học thuyết Ngũ hành của triết học cổ đại Trung Quốc, có ý nghĩa trừ tà khí.
Trang trí búp bê tháng 5 để bảo vệ bản thân khỏi tai ương
Bên cạnh việc treo cờ cá chép bên ngoài thì việc trang trí búp bê tháng 5 (Go-gatsu) trong nhà cũng là một phần quan trọng của văn hóa ngày Tết thiếu nhi.
Búp bê tháng 5 có ý nghĩa bảo vệ bản thân khỏi tai ương. Búp bê tháng 5 được trang bị mũ giáp, cung, kiếm, v.v trông rất dũng mãnh. Tất cả đều là những món đồ tượng trưng cho samurai. Nguồn gốc của việc trang trí những món đồ như vậy bắt đầu từ thời Kamakura đến thời Muromachi, khi samurai bắt đầu nổi lên. Việc trang trí những món đồ chiến đấu như giáp và mũ giáp trong nhà bắt nguồn từ thói quen hong khô các bộ giáp trước gió trước khi vào mùa mưa. Đối với samurai, mũ giáp và giáp là những trang bị quan trọng để bảo vệ bản thân. Vì vậy, búp bê tháng 5 chứa đựng lời nguyện cầu "xin hãy bảo vệ con cái chúng tôi".
Ngâm mình trong bồn tắm hoa diên vỹ để cầu mong sức khỏe và tránh tai ương
Tắm bồn là cách để người Nhật giảm bớt mệt mỏi sau một ngày dài. Vào ngày Tết thiếu nhi, bồn tắm cũng có những điểm thay đổi đặc biệt.
Hãy ngâm mình trong bồn tắm hoa diên vỹ để làm ấm cơ thể và tâm hồn. Đây là một phong tục được nhiều người yêu mến từ hơn 1000 năm trước, với mong muốn có thể sống khỏe mạnh, không bệnh tật.
Hoa diên vỹ có mùi hương đặc trưng mạnh mẽ. Người ta tin rằng mùi hương này có thể xua đuổi tà ma, và từ đó hình thành nên văn hóa ngâm mình trong bồn tắm hoa diên vỹ. Ngoài ra, hoa diên vỹ trong tiếng Nhật được gọi là "Shobu (菖蒲)", đồng âm với từ "Shobu (勝負)" có nghĩa là trận đấu, hay "Shobu (尚武)" có nghĩa là tôn trọng việc chiến đấu và các chiến binh. Từ sự trùng hợp ngẫu nhiên này, người ta gửi gắm vào đó ước vọng cho con cái phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, hoa diên vỹ còn có tác dụng kích thích tuần hoàn máu, giảm căng thẳng, ngăn ngừa đau vai và đau lưng. Ngâm mình trong bồn tắm hoa diên vỹ có thể giúp cả gia đình thư giãn.
Món ăn may mắn trong ngày Tết thiếu nhi?
Trong ngày Tết thiếu nhi chúng ta thường treo cờ cá chép, trang trí búp bê tháng 5 và ngâm mình trong bồn tắm hoa diên vỹ, vậy còn ẩm thực thì sao? Mọi người có bao giờ thắc mắc là người Nhật sẽ ăn gì trong ngày Tết thiếu nhi không? Trong phần tiếp theo của bài viết, hãy cùng tìm hiểu về một số món ăn may mắn trong ngày Tết thiếu nhi nhé.
"Bánh Kashiwa" đem lại may mắn "con đàn cháu đống"
Nếu nói đến món ăn đại diện cho ngày Tết thiếu nhi, chắc chắn phải kể đến bánh mochi Kashiwa.
Văn hóa thưởng thức bánh Kashiwa ra đời vào thời Edo. Ở thời điểm đó, "bánh mochi nhân miso" và "bánh mochi nhân muối" là hai loại phổ biến.
Cây Kashiwa (hay còn gọi là cây sồi) không rụng lá ngay cả vào mùa đông. Lá sồi cũ sẽ rụng vào thời điểm mầm mới phát triển. Nói cách khác là lá cũ sẽ không rụng cho tới khi có người kế nhiệm, vì vậy nó được coi là một loại cây mang lại may mắn, "con cháu thịnh vượng" (gia đình không bị gián đoạn) .
Bánh Kashiwa ra đời từ sự kết hợp giữa lá sồi và bánh gạo, không thể thiếu trong các nghi lễ tôn giáo. Bánh Kashiwa hàm chứa ước nguyện về việc các bé trai sẽ trưởng thành mạnh mẽ và trở thành người kế nhiệm cho gia đình.
Lá sồi không chỉ là vật trang trí, nó chính là một phần không thể thiếu của món ăn này.
"Chimaki" tượng trưng cho lòng trung thành
Nhiều gia đình thường có thói quen bày chimaki (bánh chưng) trong bữa ăn mừng ngày Tết thiếu nhi.
Ngày xưa người ta thường gọi là "bánh cỏ tranh" vì bánh được gói với lá cỏ tranh "Chigaya (茅)". Tuy nhiên, "cỏ tranh (Chigaya)" còn có cách đọc khác là "chưng (Chi)", nên cái tên "bánh chưng" đã được sử dụng phổ biến.
Văn hóa bánh chưng này có liên quan đến vị trung thần Khuất Nguyên của nước Sở thời Chiến Quốc, mà chúng mình đã giới thiệu trong phần nguồn gốc của ngày Tết thiếu nhi. Khuất Nguyên là một vị tướng trung thành với vua, được vua và nhân dân tin tưởng. Khi ông gieo mình xuống sống Mịch La, người dân đã ném bánh chưng xuống sông để cá không ăn mất thi thể của Khuất Nguyên. Đây được coi như một biểu tượng của lòng trung thành.
Trong xã hội, có nhiều tình huống đòi hỏi lòng trung thành và lòng nhân ái. Khi ăn bánh chưng, bạn có thể nhớ đến Khuất Nguyên, người được nhiều người yêu mến, và coi đó là cơ hội để suy nghĩ về lòng trung thành.
Cá "Suzuki (cá mú)" - Cá "Buri (cá cam)" đại diện cho sự thăng tiến
Còn nhiều món ăn may mắn khác vào ngày Tết thiếu nhi. Cá Suzuki (cá mú) và cá Buri (cá cam) cũng là món ăn phổ biến trong ngày này vì đây là 2 loài "cá thăng tiến (shusseuo)".
Cá thăng tiến (shusseuo) là cá được gọi bằng tên khác khi chúng lớn lên. Tên của cá Suzuki và cá Buri thay đổi theo các giai đoạn phát triển như sau:
・Koppa → Seigo → Fukko → Suzuki
・Wakashi → Inada → Warasa → Buri
Tại sao tên gọi thay đổi lại được coi là thăng tiến? Điều này có liên quan đến phong tục của các samurai và học giả, họ có thói quen đổi tên khi đến tuổi trưởng thành hoặc khi được thăng quan. Do đó, cá thăng tiến Suzuki và Buri đã trở thành một món ăn biểu tượng cho ngày Tết thiếu nhi.
Ngoài ra, cá ngừ vằn Katsuo cũng được coi là món ăn may mắn vì tên loài cá này bắt nguồn từ "勝男 (đọc là Katsuo)" với ý nghĩa là đứa trẻ chiến thắng.
Sự kiện và lễ hội diễn ra vào ngày Tết thiếu nhi
Ở phần cuối bài viết, chúng mình sẽ giới thiệu về các sự kiện và lễ hội thường diễn ra vào ngày Tết thiếu nhi hàng năm. Nếu bạn đang tìm kiếm trải nghiệm liên quan đến ngày Tết thiếu nhi, hy vọng bài viết này sẽ có ích. Cùng trải nghiệm ngày Tết thiếu nhi với cả gia đình chắc chắn sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ.
【Tokyo】Tháp Tokyo với 333 lá cờ "cá chép" và "cá thu" khổng lồ
Tháp Tokyo là nơi tổ chức sự kiện treo 333 lá cờ cá chép bay lượn trên bầu trời, tương đương với chiều cao 333m của tháp.
Trong số 333 lá cờ sẽ có một lá cờ dài 6m có hình dạng giống cá thu. Chắc bạn sẽ thắc mắc tại sao lại treo cờ cá thu. Thực ra, lá cờ hình cá thu mang thông điệp và lời cổ vũ hồi sinh cho thành phố Ofunato, tỉnh Iwate.
Sự kiện đặc biệt được tổ chức trong dịp Tết Đoan Ngọ này thu hút đông đảo người tham gia mỗi năm. Không chỉ ban ngày mà vào buổi tối sẽ có sự kiện thắp đèn cho cờ cá chép. Tại sao bạn không thử chiêm ngưỡmg các cảnh quan khác nhau vào ban ngày và ban đêm?
【Tokyo】MIDTOWN OPEN THE PARK
Có nhiều sự kiện thú vị được tổ chức ở Tokyo Midtown trong không gian xanh mát.
Hàng năm, các lớp yoga Midpark trên bãi cỏ hay các tour tìm hiểu về thiên & chim chóc dành cho cả gia đình đều rất được yêu thích. Bạn có thể tham gia 2 sự kiện này hoàn toàn miễn phí.
Đặc biệt hơn, vì là ngày Tết thiếu nhi nên còn có cả sự kiện treo cờ cá chép. Với chủ đề "Art Koinobori", khoảng 100 nhà thiết kế và nghệ sĩ trong và ngoài nước sẽ thiết kế những lá cờ cá chép độc đáo với mong muốn "cầu mong sự phát triển của trẻ em". Những chiếc cờ cá chép độc đáo này thật sự rất đáng để chiêm ngưỡng.
Ngoài ra, nếu bạn muốn có những trải nghiệm gần hơn với cá chép, bạn nên thử "Koinobori Kuguri". Bạn có thể bước vào con cá chép khổng lồ dài khoảng 25m, đường kính khoảng 2,5m và khám phá thế giới bên trong. Đây là hoạt động mà cả người lớn và trẻ em đều yêu thích.
【Tỉnh Kanagawa】Lễ hội mùa xuân tại công viên Kodomo no Kuni
Tại công viên Kodomo no Kuni sẽ tổ chức các sự kiện mà cả gia đình có thể tham gia. Vào dịp lễ hội mùa xuân có rất nhiều hoạt động trải nghiệm khác nhau như các trò chơi vận động, hay làm thủ công.
Với trò chơi "Shizen Stamp Bingo", người chơi sẽ đóng dấu vào các thẻ bingo và khám phá công viên xanh mướt. Với trò chơi "Thử thách với nghệ thuật đường phố", người chơi sẽ được trải nghiệm trò tung hứng bóng, diabolo, ném đĩa,v,v. Với trò "Hãy tạo ra Kabuto", bạn có thể tạo ra một Kabuto với thiết kế của riêng mình. Bên cạnh đó, còn có "Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố" và "Show siêu anh hùng" được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt.
Nếu tham gia vào Lễ hội mùa xuân tại Komodo no Kuni, bạn có thể tạo ra nhiều kỷ niệm tuyệt vời cùng gia đình. Nếu trời mưa, một số sự kiện có thể sẽ bị hủy. Vì vậy hãy chú ý đến thời tiết ngày hôm đó.
【Tỉnh Gunma】Lễ hội Koinobori Tatebayashi
Nếu bạn muốn trải nghiệm lễ hội cờ cá chép lớn nhất thế giới thì còn chần chờ gì mà không tới ngay lễ hội Tatebayashi Koinobori. Sự kiện này đã ghi nhận số lượng cờ cá chép lên đến 5283 con vào tháng 5 năm 2005 và đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness. Bạn khó có thể tìm thấy số lượng cờ cá chép lớn như vậy ở bất kỳ lễ hội nào trên khắp nước Nhật.
Nguồn gốc của sự kiện cờ cá chép quy mô lớn này được cho là bắt nguồn từ cửa hàng búp bê "Murota Doll Shop". Ban đầu cừa hàng treo cờ cá chép nhỏ trên dây dài khoảng 1 mét trước cửa trong mùa bán búp bê tháng 5, dần dần việc treo cờ cá chép đã phát triển thành sự kiện trong khu vực.
Trong thời điểm diễn ra "Lễ hội hoa anh đào Tatebayashi" (cuối tháng 3 đến đầu tháng 4), bạn có thể thưởng thức sự kết hợp giữa hoa anh đào và cờ cá chép, đây chắc chắn là một lựa chọn sẽ không làm bạn thất vọng.
Tổng kết
Lần này, chúng tôi đã giới thiệu với bạn ý nghĩa, nguồn gốc của ngày Tết thiếu nhi, và các sự kiện, lễ hội diễn ra vào ngày Tết thiếu nhi, với nội dung phong phú.
Vào Ngày tết Thiếu nhi, mọi người gửi gắm những mong ước về sức khỏe và thành công cho những đứa trẻ. Năng lượng tích cực được lan tỏa khắp các khu vực, nhiều sự kiện và lễ hội liên quan cũng được tổ chức.
Comments