Tỉnh Nara không chỉ được biết đến bởi hình ảnh của những chú nai ngơ ngác và bức tượng Đại Phật nổi tiếng, mà còn là một trong những nơi có nền văn hoá ẩm thực lâu đời tại Nhật Bản. Các đặc sản thường được sử dụng trong ẩm thực Nhật Bản như trà, rượu sake hay đậu phụ đều có nguồn gốc từ tỉnh Nara. Ngày nay, nơi đây không chỉ truyền tải hương vị truyền thống, mà còn tạo ra nền văn hóa ẩm thực mới mẻ. Lần này, chúng ta sẽ khám phá mỹ vị của tỉnh Nara bạn nhé!
Ẩm thực hạng B là gì?
Khác với ẩm thực truyền thống chuyên dành để quảng bá du lịch cho khu vực địa phương, ẩm thực hạng B không được sử dụng các kỹ thuật hoặc cách trang trí cầu kỳ. Đây là những món ăn bình dân được nấu từ các nguyên liệu địa phương, nên rất quen thuộc đối với người dân bản địa.
Điểm mạnh của nền ẩm thực tỉnh Nara
Tại Nhật Bản, Nara là một trong 8 tỉnh thành không giáp ranh với biển. Tỉnh Nara nằm ở khu vực đồng bằng, được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu ấm áp, đất đai màu mỡ, cộng thêm sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa ngày và đêm nên rất thích hợp cho việc trồng trọt các loại nông sản. Vì vậy, từ xưa ngành nông nghiệp ở tỉnh Nara đã rất phát triển. Rau Yamato, trà Yamato, gạo Yamato (tên gọi cũ của Nara là “Yamato”) từng là nền tảng cho sự phát triển của văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Tuy số lượng sản xuất nông nghiệp và diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Nara không lớn, nhưng trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh đang phát triển đa dạng hơn, bằng cách áp dụng triệt để các kỹ thuật trồng trọt tiên tiến và sản xuất nhiều mặt hàng với số lượng nhỏ. Ví dụ, nhiều loại rau được sản xuất trong tỉnh đang trở nên phổ biến hơn với thương hiệu "rau Yamato", hay "Kotoka" đã được đăng ký làm thương hiệu dâu tây vào năm 2011, rồi còn có giống gạo Kodai lâu đời… Sự kết hợp của các sản phẩm nông nghiệp cổ xưa và tân thời là yếu tố giúp cho văn hóa ẩm thực của tỉnh Nara trở nên đa dạng, phong phú hơn.
Ẩm thực hạng B tại tỉnh Nara
So với các tỉnh khác, ẩm thực hạng B của tỉnh Nara có hương vị dịu nhẹ và ít thịt. Nguyên nhân có thể là do phần lớn văn hóa ẩm thực của tỉnh bắt nguồn từ các đền chùa. Sau đây, chúng ta hãy cùng điểm qua các đặc sản hạng B tại tỉnh Nara nhé!
Món cháo Chagayu
Nghề trồng chè ở Nhật Bản được cho là bắt đầu từ thế kỷ thứ 9, khi Kobo Daishi (Đại sư Không Hải) mang hạt giống chè từ Trung Quốc về trồng tại chùa Butsuryu-ji ở thành phố Uda, thuộc tỉnh Nara. Đây cũng là lý do mà loại trà Yamato rất nổi tiếng.
Chagayu là món cháo được nấu trong trà thay vì nước. Đây là món ăn dành cho các nhà sư từ 1200 năm trước, sau đó dần dần phổ biến rộng rãi đến dân thường, và trở thành bữa sáng hàng ngày của người dân tỉnh Nara. Đến với các nhà hàng ở tỉnh Nara hiện nay, bạn có thể thưởng thức món cháo trà đặc sản cho bữa sáng và cả bữa trưa.
Mì Tenobe Somen
Tỉnh Nara cũng là nơi sản sinh ra món mì somen với sợi trắng và mỏng. Món mì được làm tại Miwa, thuộc thành phố Sakurai, tỉnh Nara từng được biết với cái tên “Miwa Somen”. Nơi đây đã nổi tiếng từ thời Edo, và được liệt kê trong cuốn sách "Đặc sản vùng miền Nhật Bản" là món mì somen ngon nhất tại xứ Phù Tang.
Lý do tạo nên hương vị thơm ngon của món mì somen tại đây là công nghệ xay bột và lúa mì chất lượng cao của tỉnh Nara. Do hương vị vốn có của sợi mì somen rất mộc mạc, đơn giản nên rất phù hợp để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Chẳng hạn như là mì lạnh Reimen để ăn vào mùa hè, hay mì luộc Nyumen cùng súp ấm cho mùa đông giá lạnh.
Thịt gà Yamato
Trước Thế chiến thứ hai, tỉnh Nara là một trong 3 vùng chăn nuôi gà lớn nhất Nhật Bản. Những người nông dân ở đây hành nghề nuôi gà như một công việc phụ. Thịt gà Yamato (Yamato Kashiwa) nổi tiếng ở vùng Kansai Nhật Bản bởi hàm lượng chất béo vừa phải và độ săn chắc của thịt.
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, sự tồn tại của loại thịt này đã từng biến mất một lần. Nhưng cho đến năm 1982, thịt gà Yamato lại một lần nữa lưu hành trên thị trường, đánh dấu cho sự trở lại của giống gà quý.
Mì Tenri Ramen
Mì Tenri Ramen được bắt nguồn từ thành phố Tenri của tỉnh Nara, với nước súp có màu đỏ tươi đặc trưng, chứa nhiều cải thảo, tương đậu cay và tỏi. Thoạt nhìn trông món mì có vẻ cay, nhưng cải thảo chứa nhiều nước sẽ giúp làm dịu vị cay trong súp. Hương vị đậm đà dễ “gây nghiện” này khiến thực khách một khi đã ăn là không thể ngừng lại.
Đá bào Kakigori
Nguồn gốc của món đá bào Kakigori ở Nhật Bản bắt nguồn từ thời đại Nara (710-794). Đền Himuro, nơi từng cống nạp băng cho hoàng gia và được gọi là "thánh địa băng", hiện vẫn được các nhà sản xuất băng, đá tại Nhật tín ngưỡng.
Cũng chính vì vậy mà trong những năm gần đây, có rất nhiều món đá bào mới lạ đang được cho ra mắt tại thành phố Nara. Ngoài ra, sự kiện quy tụ các cửa hàng đá bào nổi tiếng cũng được tổ chức hàng năm, với sự xuất hiện của cửa hàng đá bào nổi tiếng cũng khiến nơi đây nghiễm nhiên trở thành “thánh địa” của món đá bào mát lạnh! Trong số đó, đặc biệt nổi tiếng là cửa hàng Hoseki-bako. Đây là cửa hàng mà bạn không thể bỏ qua khi đặt chân đến tỉnh Nara, bởi món đá bào bắt mắt, ngon miệng cùng nguyên liệu đặc trưng của tỉnh Nara sẽ làm bạn ngất ngây, sảng khoái vào những ngày hè oi ả.
Comments