Bạn nghĩ sao về điều này ? Hành trình "săn tìm" công việc của các sinh viên Nhật Bản khi mới ra trường [Điều khác biệt của xã hội Nhật Bản]


Xin chào! Tôi là Shimizu, biên tập viên người Nhật của FUN! JAPAN. Có cơ hội được làm việc cùng với những đồng nghiệp người nước ngoài tại FUN! JAPAN, gần đây tôi nhận ra một điều. Đó chính là…

  • Những phong tục, những điều mà tôi cho rằng là lẽ đương nhiên tại Nhật Bản, thì lại khá xa lạ đối với người nước ngoài. 

Lần này, tôi sẽ giới thiệu về Shukatsu - "săn việc làm" , một phong tục khá là độc đáo trong xã hội Nhật Bản. Shukatsu là một từ có nghĩa là "một hoạt động để sinh viên đại học tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp". Nhiều sinh viên đại học Nhật Bản coi "săn việc làm" là "sự kiện quan trọng nhất trong bốn năm học đại học".

Qua bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một cách chân thực nhất về hoạt động "săn việc làm" của các sinh viên Nhật Bản. Sau khi đọc xong, hãy nêu ý kiến của bạn về chủ đề này ở mục bình luận nhé ! 


Hình ảnh "những thanh niên trong bộ suit đen" xuất hiện vào mùa xuân 


Ở Nhật Bản, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến mùa hè hàng năm, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những người trẻ tuổi với bộ trang phục như trong ảnh trên các chuyến tàu và trong các khu thương mại. 

Họ chính là những sinh viên đại học đang "Shukatsu" - "săn việc làm". “Săn việc làm” là hoạt động sinh viên đại học đến xin việc tại các công ty hoặc được phỏng vấn để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp (= “Shushokukatsudou”, viết tắt là "Shukatsu" ) 

Hầu như tất cả sinh viên sẽ khoác lên mình bộ suit đen trang trọng như trên hình khi đi phỏng vấn xin việc. Đây là bộ trang phục phổ biến nhất dành cho các sinh viên khi đi "săn việc làm" và còn được gọi là "recuit suit" (bộ đồ tuyển dụng) . Những người có màu tóc nâu hoặc sáng màu cũng sẽ phải nhuộm đen hoặc màu tối trong thời gian "Shukatsu" này. 

Hầu như các công ty đều không có quy định nào cụ thể cho trang phục hay màu tóc của các ứng viên. Tuy nhiên, có một số lý do khiến hầu hết sinh viên mặc những bộ suit đen giống nhau, nhuộm tóc đen khi đi xin việc.

  • Tạo cho người phỏng vấn ấn tượng tốt về sự "nghiêm túc" và "sạch sẽ".
  • Đây là một phong tục đã diễn ra trong hơn 20 năm, vì vậy ý ​​tưởng về việc tìm kiếm việc làm = bộ suit đen và mái tóc đen đã trở nên phổ biến.
  • Nếu bạn ăn mặc khác biệt, người quản lý tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn "khó hợp tác"


Người nước ngoài sẽ cảm thấy bất ngờ khi đọc ! Những quy tắc ứng xử khi "săn việc làm" tại Nhật. 


Bên cạnh bộ suit tuyển dụng, thì "săn việc làm" còn có những điều khác nữa. Đầu tiên, tôi sẽ giưới thiệu rõ hơn về các nguồn tìm kiếm việc làm. 

Ở Nhật Bản, có một hệ thống độc đáo được gọi là "Tuyển dụng hàng loạt sinh viên mới tốt nghiệp (Shinsotsu, Ikkatsu, Saiyo)". Đây là hệ thống công ty tuyển dụng nhân lực cho những người dự định tốt nghiệp đại học vào một thời điểm cố định hàng năm, sinh viên được phỏng vấn xin việc khi đang theo học đại học và nhận được lời mời làm việc khi còn đang đi học. Các sinh viên đang săn việc là những người đăng ký tham gia đợt tuyển dụng này.

Nhìn chung, việc săn tìm việc làm bắt đầu một cách nghiêm túc vào tháng 3 của năm thứ 3 đại học. Điều này là do nhiều công ty sẽ bắt đầu tuyển dụng nhân sự đồng loạt vào tháng Ba. Việc săn tìm việc làm bắt đầu vào tháng 3, và sau một quá trình tuyển dụng như phỏng vấn và kiểm tra năng lực, công ty sẽ quyết định kết quả tuyển dụng từ tháng 6 đến mùa thu. Sau đó, họ sẽ tốt nghiệp đại học vào tháng 3 năm sau và bắt đầu làm việc tại công ty đã trúng tuyển vào tháng 4. Nói cách khác, công cuộc tìm việc làm sẽ bắt đầu hơn một năm trước khi bạn thực sự bắt đầu làm việc.


Thử thách đầu tiên trong hành trình tìm việc, Entry Sheet (đơn xin việc) 


Việc săn tìm việc làm bắt đầu bằng việc nộp một "tờ đơn xin việc" (entry sheet) cho công ty. Tờ đơn này có các mục nhập điền thông tin cơ bản về bản thân, điểm mạnh, v.v. của bạn và người quản lý tuyển dụng của công ty sẽ xem xét bảng mục này và chọn lựa ứng viên mà họ muốn phỏng vấn.

Và không phải là bạn chỉ cần nộp đơn là sẽ được lựa chọn bởi sự cạnh tranh rất gay gắt, được biết là có hàng chục đến nhiều ứng ứng viên hơn thế nộp đơn xin việc cho hơn 100 công ty.



Các ứng viên vô cùng coi trọng đến tấm ảnh được dán trên tờ đơn xin việc, thậm chí có nhiều người sẵn sàng bỏ ra hơn 10.000 yên để thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cho một lần chụp. 

Việc trang điểm của các nữ sinh viên khi đi săn việc làm được gọi là "Shukatsu makeup" . Mục đích của việc trang điểm này để khiến cho nhà tuyển dụng ấn tượng bởi sự "thông minh" và "gọn gàng sạch sẽ". 


 Gõ cửa 3 lần. Những quy tắc cụ thể khi phỏng vấn


Sau khi đơn xin việc của bạn đã được xét duyệt, thì bước tiếp theo là tham gia một buổi phỏng vấn. Trong trường hợp công ty lớn, có nhiều ứng viên nộp hồ sơ nên sẽ có nhiều vòng phỏng vấn, bao gồm buổi phỏng vấn đầu tiên, phỏng vấn thứ hai, phỏng vấn thứ ba và phỏng vấn cuối cùng.

Bên cạnh trang phục là bộ suit tuyển dụng, còn có những quy tắc khác trong buổi phỏng vấn mà các ứng viên cần lưu ý như :

  • Ứng viên gõ cửa ba lần trước khi vào phòng phỏng vấn. Khi người phỏng vấn trong phòng nói "Xin mời vào", hãy mở cửa và bước vào phòng.
  • Nên đặt tay trên đùi trong khi ngồi phỏng vấn.
  • Sau cuộc phỏng vấn, hãy cúi chào người phỏng vấn trước cửa và nói "xin phép" trước khi rời khỏi phòng.
  • Sau khi phỏng vấn kết thúc, một số ứng viên gửi email và thư đến công ty để cảm ơn họ đã phỏng vấn.

Người phỏng vấn không yêu cầu các ứng viên phải bắt buộc có nghi thức này. Tuy nhiên, một ứng viên cư xử lịch sự có thể để tạo ấn tượng tốt cho người phỏng vấn.

Có một câu hỏi khá phổ biến mà người phỏng vấn thường hỏi các ứng viên trong buổi phỏng vấn. Đó là "điều quan trọng nhất trong cuộc đời sinh viên của tôi." Để trả lời câu hỏi này một cách hoàn hảo nhất, các sinh viên cần có những trải nghiệm hay hoạt động thể hiện thế mạnh của bản thân, chẳng hạn như thể thao, công việc bán thời gian và hoạt động tình nguyện, ngay cả trước khi bắt đầu tìm việc.

Ngoài cuộc phỏng vấn, thì bài kiểm tra đánh giá năng lực của công ty cũng sẽ quyết định ứng viên có được chọn lựa hay không. 


Khi bị từ chối, "email cầu nguyện" mà ứng viên nhận được là gì ?


Nếu công ty ứng tuyển không thuê bạn, công ty sẽ gửi email cho sinh viên để thông báo rằng họ sẽ không được tuyển dụng. Các sinh viên gọi vui email là "email cầu nguyện."

Điều này là do email thông báo cho bạn về việc bị từ chối có nội dung "Tôi chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất trong tương lai của bạn" ở cuối văn bản. Nhiều sinh viên nói "Tôi đã nhận được một email cầu nguyện" hoặc "Tôi đã cầu nguyện" thay vì nói "Tôi đã bị từ chối".


Lý do tại sao người dành rất nhiều tâm huyết cho việc "săn việc làm" 


"Shukatsu" - "săn tìm việc làm" là một hành trình vô cùng vất vả. Chính bản thân tôi cũng đã dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho các tờ đơn xin việc, những buổi phỏng vấn và bài kiểm tra trình độ. Vậy nên khi trúng tuyển, tôi vui đến mức bật khóc, và khi không được tuyển, tôi buồn và khóc vì thất vọng.

Vậy thì tại sao người Nhật lại dành nhiều tâm huyết và sức lực đến vậy cho việc tìm kiếm việc làm ? Lý giải cho câu hỏi này có khá nhiều nguyên nhân. 

Tư tưởng : "nơi làm việc được quyết định trong khi học đại học" đã được tồn tại từ rất lâu, và mỗi sinh viên cũng vì thế mà mang theo sự lo lắng rằng sẽ không tìm được việc. 

Nhật Bản vẫn tồn tại quan niệm sâu sắc về "việc làm trọn đời" ( làm việc cho đến khi nghỉ hưu tại một công ty), và tin rằng nếu bạn nỗ lực để tìm việc và gia nhập một công ty lớn hoặc một công ty nổi tiếng, bạn sẽ có thể có cuộc sống ổn định đến cuối đời.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, số người nghi ngờ về hình thức săn việc làm này ngày càng nhiều, một số công ty cũng tạo điều kiện cho sinh viên nộp hồ sơ vào thời điểm yêu thích thay vì tuyển nhân lực vào một thời điểm cố định. Bên cạnh đó, số lượng người trẻ muốn làm việc cho một công ty trong suốt quãng đời còn lại đang ngày một giảm.


  Công ty số một mà sinh viên đại học Nhật Bản muốn xin việc là ?


Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Gakujo, một phương tiện truyền thông phổ biến thông tin về tìm việc làm, công ty phổ biến nhất mà các sinh viên tốt nghiệp đại học (bao gồm cả cao học) vào tháng 3 năm 2023 mong muốn được ứng tuyển là : với sinh viên nam là ITOCHU, và vị trí số 1 dành cho sinh viên nữ là Shueisha.

ITOCHU là một trong những công ty thương mại lớn ở Nhật Bản, và nổi tiếng với mức thu nhập bình quân hàng năm của nhân viên trên 10 triệu yên. Còn Shueisha là công ty xuất bản lớn của Nhật xuất bản tạp chí thời trang "non-no" và manga "Kimetsu no Yaiba".

Sau khi đọc bài viết này, bạn có cảm nhận như thế nào về hành trình "săn việc làm" có chút khác thường của người Nhật ?  Nếu như bạn quan tâm, hãy bình luận cũng như chia sẻ thêm về việc tìm việc làm ở nước của bạn nhé ! 

Mục lục

Survey[Trả lời khảo sát]Hãy trả lời những câu hỏi về du lịch Nhật Bản.







Giới thiệu thêm