Thời tiết nóng bức, ẩm ướt kéo dài trong những ngày hè Nhật Bản.
Theo Đài Khi Tượng thì nhiệt độ trung bình cao nhất vào thời điểm tháng 8 năm 2020 là 34.1℃, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 29.4℃. Độ ẩm trung bình lên đến 76%, mang đặc trưng vừa nóng oi bức lại vừa ẩm ướt.
Bạn có biết là ở Nhật có rất nhiều món ngọt truyền thống thanh mát giải nhiệt cho ngày hè không?
Nào là đá bào kakigori đủ màu sắc được bày bán rộng rãi tại các gian hàng đường phố, cho đến bánh dẻo kuzumochi truyền thống, rồi cả mì thạch tokoroten mát ruột mát gan! Kỳ này, FUN! JAPAN sẽ giới thiệu cho mọi người một số món ngọt tiêu biểu cho ngày hè Nhật Bản!
Đá bào Kakigori
Đá bào Kakigori là món tráng miệng đông lạnh, dùng đá bào nhuyễn thành những miếng nhỏ vừa ăn, sau đó chan siro hoặc sữa đặc lên trên. Đây là món ăn vặt phổ biến được bày bán tại các gian hàng ẩm thực trong lễ hội mùa hè, lễ hội pháo hoa của Nhật Bản. Vị siro phổ biến gồm có vị dâu (đỏ), dưa lưới melon (xanh lá cây), chanh (vàng), soda (xanh biển)...
Bên cạnh đó còn có đá bào được làm từ đá thiên nhiên (đá đông lạnh do thời tiết của tự nhiên), đặc biệt là vị "mưa tuyết (mizore)" chan sốt "mật trắng (shiromitsu)" - loại sốt được làm từ nước và đường đem đi đun sôi. Do nước sốt trong suốt nên người dùng có thể thưởng thức vẻ đẹp vốn có của đá thiên nhiên, thế nên món ăn khá được giới sành ăn đá bào ưa chuộng.
Ngoài ra, "Ujikintoki" là món đá bào mà các tín đồ mê matcha không thể bỏ qua! Cái tên được kết hợp từ "Uji (thành phố nổi tiếng về trà xanh matcha)" và "Kintoki (đá bào đậu đỏ)".
Món đá bào "Ujikintoki" thông thường cho đậu đỏ lên trên đá bào chan sốt matcha, song cũng có nhiều tiệm chế biến thành món tráng miệng đặc sắc như bánh dẻo shiratama, thạch trà xanh bắt mắt khiến thực khách "ăn là no căng".
Bánh dẻo Kuzumochi
Kuzumochi là món tráng miệng truyền thống của Nhật, có khẩu vị giống như thạch jelly và rắc bột đậu nành kinako, sốt đường đen kuromitsu lên trên. Tuy gọi là "mochi (bánh dẻo)" nhưng khác với các loại bánh dẻo khác, kuzumochi sử dụng bột sắn dây thay vì bột gạo.
Nguyên liệu bột sắn dây được làm từ rễ củ sắn, cộng thêm nước và chế biến thành thạch. Bột sắn dây có công dụng điều hòa máu huyết, tốt cho tiêu hóa nên ngoài việc làm bánh, nấu ăn còn được dùng làm nước uống giữ ấm cho những ngày đông lạnh.
Bên cạnh đó còn có bánh bao thạch Kuzu-manju, dùng vỏ bánh làm từ bột sắn bọc quanh nhân đậu và để lạnh.
Mì thạch Tokoroten
Mì thạch Tokoroten được làm từ loại rong thạch, đem đi nấu và chiết xuất phần nước, sau đó đổ vào khuôn đông lạnh. Bề ngoài trông chẳng khác gì mì udon trong suốt, nhưng không có độ dai như mì udon, sợi mì mềm nên rất dễ ăn.
Ngoài việc thưởng thức mì thạch như món ngọt bằng cách chan đường đen kuromitsu và bột đậu nành kinako, chúng ta cũng có thể thưởng thức mì như món ăn chính. Chẳng hạn như nếu muốn thưởng thức hương vị dịu mát ngày hè thì bạn có thể ăn cùng tương giấm, hoặc rắc cá ngừ bào lên trên, hoặc ăn cùng các loại gia vị của Nhật như bột ớt shichimi, mù tạt vàng karashi...
Đá bào Kakigori, bánh dẻo Kuzumochi, mì thạch Tokoroten... vừa bắt mắt lại vừa ngon miệng! Nếu có dịp đến Nhật hoặc đến các quán ăn, nhà hàng Nhật Bản thì bạn hãy ăn thử nhé ♪
Dành cho những bạn muốn biết thêm về món ngon ngày hè ☆☆☆
【Thông báo】
Tại trang Twitter của FUN! JAPAN (@FUNJAPANTravel), các thông tin về từ vựng & đàm thoại tiếng Nhật, sự kện bốn mùa... liên quan đến Nhật Bản vui nhộn ♪
Những ai yêu thích Nhật Bản, hay đang học tiếng Nhật hãy check @FUNJAPANTravel nhé!
Comments