Thảm họa kép động đất sóng thần lịch sử vùng Đông Bắc Nhật Bản (hay còn gọi là Tohoku) năm 2011 cho đến nay vẫn để lại những nỗi đau không thể nào nguôi ngoai. Có những người đã mất sạch nhà cửa, tài sản, thậm chí thân nhân. Có những người lựa chọn rời bỏ miền đất ngặt nghèo thiên tai này để đến những thành phố an toàn, ổn định, phát triển hơn. Nhưng cũng có những người vốn không sinh ra hay lớn lên ở đây; với trái tim đầy thương cảm, họ quyết tâm từ nơi xa đi về Tohoku lập nghiệp, để phục hưng, để đem lại sức sống cho mảnh đất vốn đã quá nhiều đau thương.
Giờ đây, Tohoku sau 10 năm nhịp sống đã trở lại huyên náo, thậm chí có nơi còn phát triển hơn so với trước thiên tai. Sự phục hưng của Tohoku không thể thiếu vắng đóng góp thầm lặng của con người Tohoku – họ có thể là cán bộ địa phương, là nhân chứng sống của trận thảm họa năm nào; đồng thời họ cũng là những khởi nghiệp gia mang trong mình nhiệt huyết và niềm tin bất diệt vào tiềm năng của Tohoku.
Bác Motoda – cán bộ phòng Giáo dục phòng chống thiên tai tại thị trấn Taro (tỉnh Iwate)
Bác Motoda là một trong những nạn nhân hứng chịu thảm hoạ năm ấy, hiện đang làm nhân viên công tác giáo dục phòng chống thiên tai tại thị trấn Taro.
Trong suốt buổi dẫn đoàn, bác Motoda liên tục nhấn mạnh, công tác giáo dục phòng chống thiên tai cần ưu tiên trước hết phải cứu lấy bản thân. Tư duy này có lẽ sẽ có người cho là ích kỉ, bác nói, tuy nhiên, khi đại thảm hoạ ập tới, thì chỉ có vài giây thôi cũng có thể quyết định sống chết. Trước tiên, cần đảm bảo an toàn bản thân, chạy tới khu vực lánh nạn, sau đó khi bản thân đã đảm bảo được an toàn rồi mới nghĩ đến việc đi ứng cứu người khác. Thảm hoạ không phân biệt người thân hay gia đình, nếu chậm trễ thì cả bản thân lẫn người thân cũng sẽ đều bị sóng thần cuốn đi mất. Có thể sống sót qua thảm hoạ đã là điều rất tốt rồi.
Bác Sakuraba – Quản lý đội bóng bầu dục thành phố Kamaishi (tỉnh Iwate)
Vùng Tohoku – Hokkaido từ lâu vốn nổi danh với những “Người sắt”. Đây là tên gọi thân thương dành cho các tuyển thủ bóng bầu dục xuất thân từ vùng đất này. Bác Sakuraba là tổng quản lý đội bóng bầu dục thành phố Kamaishi.
Bác kể với chúng tôi lịch sử hào hùng của đội bóng bầu dục Kamaishi. Kể từ trận đại thiên tai 10 năm trước, sân vận động Kamaishi đã trở thành một biểu tượng tinh thần to lớn cho người dân nơi đây. Đặc biệt, sân vân động Kamaishi cũng vinh dự được đăng cai tổ chức Cúp Bóng Bầu dục Thế giới năm 2019, được tổ chức tại Nhật Bản. Trong lời bác kể, không khó có thể nhận ra niềm tự hào ngập tràn: “Đây là sân vận động đặc biệt nhất thế giới, xung quanh sân vận động không hề có khu dân cư nhà ở, mà chỉ toàn đất trống. Điều đó nhắc nhở chúng tôi phải luôn nhớ đến thảm họa thiên tai năm nào, và càng quyết tâm cố gắng xây dựng Kamaishi thành một “Rudby Town” thu hút du khách ghé thăm.”
Bác Iwasaki – Chủ quán trọ Horaikan (tỉnh Iwate)
Quán trọ Horaikan nằm khiêm tốn bên bờ biển Sanriku. Năm đó khi sóng thần quét qua, bác Iwasaki đã suýt không qua nếu không nhờ có thân cây lớn nổi lên, giúp bác bám và leo lên khu vực sơ tán an toàn. Vừa kể chuyện đau thương năm nào, vừa cho chúng tôi xem cuộn băng ghi lại cảnh tượng huy hoàng ngày hôm ấy, thế nhưng bác luôn nở nụ cười đôn hậu nói với chúng tôi: “Sau trận sóng thần mọi người đã xây dựng một con đường sơ tán ngay phía sau quán trọ. Thật tốt vì giờ mọi người có thể nhanh chóng di chuyển tới nơi an toàn hơn rồi!” Bác còn chia sẻ, bác rất thích bóng bầu dục. Mọi người khi đến sân vận động Kamaishi nhớ chụp nhiều ảnh nhé, đẹp lắm, bác nói. Quả nhiên, sân vận động Kamaishi rất có ý nghĩa tinh thần với người dân nơi đây.
Liên đoàn thể thao ngư nghiệp và “Aging story” – Lên men rượu trong lòng đại dương (tỉnh Iwate)
Tại thành phố Rikuzentakata (tỉnh Iwate) có một hoạt động vô cùng thú vị. Đó là du khách ghé thăm sẽ được trải nghiệm đem một chai rượu mình yêu thích ngâm dưới đáy đại dương trong vòng 9-10 tháng, và sau đó mới được uống?! Hoạt động này được Liên đoàn thể thao ngư nghiệp vịnh Hirota thiết kế sau trận sóng thần năm 2011, với mục đích thu hút du khách đến để tìm hiểu và ủng hộ phát triển thành phố chịu nhiều thiệt hại sóng thần này. Ngoài rượu, ngư đoàn hiện đang nghiên cứu các hoạt động lên men từ trong lòng đại dương với các đặc sản khác của vùng như lạc, phô mai, nước ép hoa quả,...
Cô Abe – Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận về gạch bông Tây Ban Nha (tỉnh Miyagi)
“Sau trận động đất sóng thần năm ấy, dường như thành phố Onagawa đã mất đi sắc màu. Dùng những miếng gạch bông Tây Ban Nha đầy họa tiết rực rỡ, chúng ta hãy cùng tô điểm cho sức sống thành phố!”
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Onagawa, vốn là một thành phố vô cùng phát triển vậy mà sau trận động đất đã hóa tiêu điều, cô Abe quyết tâm muốn khôi phục dáng vẻ trước đây của quê hương mình. Cô đã đến Barcelona, tìm hiểu và học hỏi về kĩ thuật chế tạo gạch bông, và trở vể Onagawa mở nên công xưởng “Minato-machi Ceramika”. Cô kể, gạch bông từ công xưởng của cô giờ đã hiện hữu khắp thành phố. Biển tên trước cửa nhà, nắp cống thoát nước, tường,... đâu đâu ở Onagawa cũng có thể dễ dàng bắt gặp những miếng gạch bông sặc sỡ. Đặc biệt hơn, những miếng gạch bông này đa phần được chính người dân thành phố tự tô, tự trang trí hoa văn, và nung ở công xưởng của cô.
Anh Kuriya – chủ công xưởng chế tạo xà bông từ nguyên liệu đặc sản của tỉnh Miyagi
Anh Kuriya là một cái ví dụ nổi bật cho trào lưu khởi nghiệp nhằm phục hưng vùng Tohoku. Sản phẩm của doanh nghiệp anh là xà bông – một thứ tưởng chừng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày, nhưng được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên vốn là sản vật của tỉnh Miyagi như rong biển, mật ong, vỏ gạo, rượu vang... Đồng thời mỗi miếng xà bông được tinh tế gia công bằng tay, mỗi miếng đều ghi rõ ai là những nông gia cung cấp nguyên liệu chế tạo. Anh chia sẻ với chúng tôi hoài bão đưa tên tuổi các nông sản địa phương Miyagi đi khắp nơi, đồng thời góp phần khôi phục các hoạt động kinh tế thành phố Onagawa.
Bác Suzuki – Cán bộ trường tiểu học Arahama (tỉnh Miyagi)
Trường tiểu học Araham thuộc thành phố Sendai (tỉnh Miyagi) là một “anh hùng lịch sử”: nhờ vị trí hướng Đông thay vì hướng Nam như đa phần các trường khác tại Nhật và đặc biệt có sân thượng rộng rãi trên tầng 5, trường tiểu học đã cứu sống 320 cán bộ nhân viên và học sinh khi sóng thần tràn đến. Theo lời bác Suzuki kể, giờ trường học được giữ lại làm địa điểm thăm quan, còn đa phần khu dân cư xung quanh mọi người đã chuyển hết đến nơi khác sinh sống. Bác chọn ở lại để góp sức cho công tác giáo dục phòng chống thiên tai tại thành phố Sendai.
Bác Hashimoto – Đại diện công ty GRA (General Reconstruction Association) (tỉnh Miyagi)
Từ lâu, những trái dâu từ tỉnh Miyagi đã nổi danh với chất lượng hảo hạng. Tuy nhiên, sau trận động đất sóng thần năm 2011, 122 trên tổng cộng 129 nhà kính trồng dâu tại tỉnh này đã bị phá huỷ.
Công ty GRA (General Reconstruction Association) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ ICT vào kiểm soát cải thiện chất lượng nông sản, đồng thời giảm nhân công chi phí, đảm bảo chuỗi cung ứng, và triển khai áp dụng công nghệ tới các nông dân địa phương.
Nhờ công nghệ tiên tiến, dâu Miyagi giờ như đã “hồi sinh từ hoang tàn”, khôi phục danh hiệu dâu tây cao cấp của vùng. Đặc biệt những trái dâu mang thương hiệu Migaki của GRA thậm chí còn có mức giá 1,000JPY/trái (hơn 200,000VND), là mặt hàng trái cây cao cấp biếu tặng nổi tiếng của người dân Nhật Bản.
Anh Futakami – Giám tuyển viện bảo tàng thành phố Soma (tỉnh Fukushima)
Nói đến trận động đất sóng thần năm 2011 thì có lẽ tỉnh Fukushima được biết đến nhiều hơn cả nhờ tai nạn nhà máy hạt nhân. Nhưng trước đó, tỉnh Fukushima vốn nổi danh là vùng đất lịch sử truyền thống của Nhật Bản. Hỏi bất cứ người dân Nhật Bản nào, có lẽ ai cũng sẽ biết đến lễ hội đua ngựa Soma-Nomaoi trứ danh vùng Soma tỉnh Fukushima. Anh Fukatami, với vai trò là giám tuyển viện bảo tàng thành phố Soma, trong vòng một tiếng ngắn ngủi đã đưa chúng tôi đi qua bao thăng trầm lịch sử của thành phố gắn liền với những chú ngựa hoang dã này. Anh hy vọng, người dân mọi nơi trên thế giới khi tìm hiểu về Fukushima, thay vì chỉ biết thảm họa lịch sử năm nào có thể hiểu nhiều hơn về bề dày văn hóa lịch sử của mảnh đất này.
Bác Tokoyoda – Chủ siêu thị hải sản Hamanoeki Matsu-Kawaura (tỉnh Fukushima)
Sau thảm họa hạt nhân, rất nhiều người lo sợ tính an toàn các sản phẩm thủy hải sản đến từ Fukushima. Trước tình trạng đó, bác Tokoyoda lựa chọn thôi việc tại công ty mình đã theo làm hơn 30 năm để về mở siêu thị hải sản an toàn cho người dân địa phương. Bác chia sẻ, bác không muốn người dân phải lái xe hơn 2-30km chỉ để mua hải sản đảm bảo, siêu thị của bác sẽ làm nhà phân phối, đồng thời cũng sẽ là nhà ăn cho mọi người.
Anh Yoshikawa – Đại diện tổ chức xã đoàn AFW (tỉnh Fukushima)
Anh Yoshikawa vốn là nhân viên của tổng công ty điện lực Tokyo TEPCO. Chính anh cũng đã chứng kiến thảm họa điện hạt nhân năm 2011, nên sau 14 năm gắn bó, anh lựa chọn xin nghỉ việc để tích cực tham gia các hoạt động chi viện công nhân nhà máy. Hiện nay, nhà máy đã được mở cửa phục vụ mục đích tham quan tìm hiểu hoạt động nhà máy, cũng như nguyên do xảy ra thảm họa năm nào và tình hình khôi phục hiện tại. Anh chia sẻ, anh muốn được cống hiến trong công tác hỗ trợ giáo dục phòng chống thiên tai vì anh nhận thức rõ đây chính là trách nhiệm của một nhân viên điện lực như mình.
Comments