Sàn trải chiếu tatami thường được tìm thấy tại các ngôi đền, nhà ở và nhiều nhà hàng. Đây cũng là một phần tinh túy trong thiết kế nội thất Nhật Bản. Mùi hương, kết cấu bên dưới bàn chân của bạn cùng vẻ ngoài hài hòa là những yếu tố khiến tatami vẫn giữ vị trí đặc biệt trong các ngôi nhà ở Nhật Bản.
Tatami là gì?
Tatami (畳) là một loại chiếu truyền thống được sử dụng làm sàn trong tất cả các loại tòa nhà trên khắp Nhật Bản. Các tấm chiếu này được tạo thành từ ba phần: một phần lõi, một lớp phủ dệt và một mép vải. Tấm chiếu có kích thước cố định. Có một số loại được thay đổi nhằm đáp ứng cho sự phát triển trong các loại hình thiết kế gần đây, nên người dùng có thể đặt trực tiếp trên sàn gỗ cứng tại những ngôi nhà kiểu Tây.
Tatami được làm ra như thế nào?
Mặc dù phần lớn chiếu tatami hiện đại ngày nay được làm bằng máy móc, nhưng theo truyền thống thì chiếu được làm bởi những người thợ thủ công lành nghề. Ngày nay vẫn có những công ty gia đình làm chiếu tatami với các kỹ năng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tatami-omote (bề mặt ngoài), còn được gọi là goza, được làm bằng một lớp cói mềm gọi là igusa (藺 草), một loại cây giống cỏ lâu năm được làm thành dây và đan lại với nhau. Mỗi tấm chiếu sử dụng khoảng 4000-6000 dây igusa, với số lượng cao hơn - tương đương với việc tấm chiếu sẽ có tuổi thọ cao hơn. Tatami-doko (lõi bên trong) ban đầu được làm bằng rơm rạ, nhưng ở một đất nước Nhật Bản hiện đại như ngày nay thì nó thường được làm bằng polystyrene hoặc dăm gỗ. Cuối cùng, tatami-fuchi (mép ngoài) là một viền vải được gọi là heri, được sử dụng trên các cạnh dài của chiếu để che đi mép dệt.
Điểm cần lưu ý ở đây là chúng ta nên thay sàn tatami ba năm một lần, mặc dù ngày nay việc này không được thực hiện thường xuyên cho lắm.
Lịch sử của sàn Tatami
Việc sử dụng những chiếc chiếu này xuất phát từ hoạt động “tatamu”, có nghĩa là gấp lại hoặc xếp chồng lên nhau, bắt đầu từ thời Heian (794 - 1185). Những chiếc chiếu ban đầu được sử dụng để làm chỗ ngồi cho các tầng lớp quý tộc và không được cố định dưới đất. Khi kiến trúc phát triển trong thời kỳ Muromachi (1336 - 1573), phong cách shoindukuri sử dụng chúng để che sàn nhà. Ngay sau thời điểm này, zashiki (toàn bộ các căn phòng được trải chiếu tatami) đã trở nên thịnh hành, cùng với kích thước và quy tắc đi kèm với sự hiện diện lâu dài của chúng.
Sàn Tatami được sử dụng ở đâu tại Nhật Bản?
Người ta vẫn thường nhìn thấy sàn trải chiếu tatami trong nhiều không gian trong nhà ở Nhật Bản. Điều này bao gồm các không gian tâm linh như đền hoặc miếu, cũng như các phòng dùng cho trà đạo hoặc nghệ thuật như ikebana. Trong các ngôi nhà và căn hộ của người Nhật ngày nay thường có một căn phòng có sàn trải chiếu tatami, được gọi là washitsu, có nghĩa là phòng theo "phong cách Nhật Bản". Căn phòng này thường dùng để giải trí hay ngủ nghỉ, hoặc cũng có thể là nơi đặt bàn thờ gia tiên hay làm phòng thờ cúng. Tại những ngôi nhà cổ hơn hoặc rộng hơn thì các phòng trải chiếu tatami lại càng được áp dụng phổ biến, kết hợp cùng với sân hiên và hành lang bằng gỗ kết nối các phòng.
Tại sao Tatami vẫn được ưa chuộng ở Nhật Bản?
Mang ý nghĩa truyền thống cùng sự thoải mái vốn có, chiếu tatami vẫn là một lựa chọn phổ biến để làm sàn ở Nhật Bản. Như nhiều người vẫn ngủ trên đệm futon trên sàn nhà, chiếu tatami tạo ra một mặt sàn có đệm, tạo cảm giác thoải mái hơn nhiều so với mặt sàn bằng gỗ cứng. Điều này cũng hữu ích cho các hộ gia đình có con nhỏ hay người cao tuổi bởi họ sẽ ít có nguy cơ bị thương khi vấp ngã.
Chiếu tatami cũng là một vật liệu thoáng khí, có nghĩa là nó sẽ hấp thu hơi ẩm vào mùa hè và cũng hoạt động như một máy tạo độ ẩm trong điều kiện mùa đông hanh khô. Trước đây, tatami được sử dụng để xác định xem một căn phòng có được thông gió tốt hay không: nếu thấy xuất hiện bất kỳ loại nấm mốc nào thì điều đó cũng cho thấy rằng căn phòng có quá nhiều độ ẩm và không đủ thông gió. Chiếu tatami cũng được cho là có tác dụng thanh lọc không khí, hút bụi và giảm các chất kích ứng cho những người bị dị ứng.
Cho: Kích thước và bố cục của chiếu Tatami
Khi mô tả kích thước một căn phòng ở Nhật Bản, người ta vẫn thường sử dụng số lượng chiếu tatami hơn là một thước vuông đơn giản. Điều này có nghĩa là trên nhiều trang web bất động sản sẽ mô tả diện tích phòng là 6-jo hoặc 8-jo, có nghĩa là 6 tấm hoặc 8 tấm. Mặc dù điều này có thể khiến bạn cho rằng tất cả các tấm chiếu tatami đều có cùng kích thước, nhưng thực tế không phải vậy. Có bốn kích thước tiêu chuẩn được sử dụng trên khắp Nhật Bản:
Edoma (176cm x 88cm) là kích thước phổ biến nhất được sử dụng ở vùng Kanto, bao gồm cả Tokyo. Chúng đôi khi còn được gọi là "kantoma".
- Danchima (170cm x 85cm) được tạo ra cho nhà ở công cộng nơi mà các phòng nhỏ hơn bình thường.
- Chukyoma (182cm x 91cm) thường được sử dụng ở tỉnh Aichi, nơi bao gồm cả Nagoya.
- Kyoma (191cm x 95cm) là kích thước phổ biến nhất được sử dụng ở khu vực Kansai, bao gồm các thành phố như Osaka và Kyoto.
Sự thay đổi về kích thước này có vẻ nhỏ, nhưng khi được đem vào một căn phòng có 6-8 tấm chiếu trở lên, nó có thể là một sự khác biệt đáng kể trong diện tích, vì vậy rất đáng để kiểm tra. Ngoài những kích thước này còn có một số kích thước được thay đổi theo tình hình sử dụng thực tế như một tấm chiếu bán nguyệt, được gọi là han-jo và tấm chiếu ba phần tư được gọi là daimedatami.
Yếu tố chung ở đây đó là chiếu tatami có chiều rộng bằng một nửa chiều dài, điều này giúp tạo nên một số mẫu có bố cục nhất định ở mọi kích thước. Bản thân những tấm chiếu được đo bằng "ken" - một đơn vị đo lường truyền thống tương đương với chiều dài gần 2m và nó tương ứng với 6 "shaku" (một đơn vị đo truyền thống khác gần như tương đương với một bàn chân). Điều này có nghĩa là các tấm chiếu thường có kích cỡ 1 ken x 0,5 ken hoặc 6-shaku x 3-shaku, với một số biến thể tùy theo khu vực như đã nêu ở trên.
Bố cục khi trải chiếu Tatami
Trải chiếu tatami là một nghệ thuật được quy định rất nghiêm ngặt. Với các kích thước của chiếu thì sẽ có một số hoa văn nhất định có thể được sử dụng để tạo ra một bố cục đầy tính thẩm mỹ.
Các kiểu thiết kế: Shukugijiki and Fushukugijiki
Trong một căn phòng truyền thống của Nhật Bản được gọi là "zashiki", có hai cách để trải chiếu tatami. Shukugijiki là để sắp xếp tạo nhiều điềm may và nó liên quan đến cách tiếp cận xoắn ốc, với các cạnh ngắn hơn được ghép với các cạnh dài hơn. Phong cách thiết kế này thường tập trung xung quanh hai tấm chiếu tatami được đặt ở vị trí thẳng đứng,sau đó đặt một tấm chiếu ngang ở trên và bên dưới rồi cùng với hai tấm chiếu theo chiều dọc để hoàn thành đường viền ở mỗi bên. Ngược lại, phong cách fushukugijiki mang tới điềm không may thì lại đặt các tấm chiếu theo mô hình lưới lặp lại, với tất cả các tấm chiếu được căn chỉnh theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Phong cách này được sử dụng cho các sự kiện không may mắn như đám tang vì nó được cho là mang lại vận rủi.
Nghi thức Tatami
Nghi thức Tatami là sự kết hợp của các bước thiết thực, được thực hiện để bảo vệ sàn và những nghi thức, sự kiện được thực hiện dựa trên niềm tin may mắn.
Cách giữ gìn tấm chiếu Tatami
Khi nói đến việc giữ gìn những tấm chiếu tatami, ai cũng biết rằng không nên mang giày ngoài đường để bước lên trên chiếu. Ngoài lý do làm mòn lớp dệt mềm trên bề mặt, thì bụi bẩn và độ ẩm có thể làm hỏng chiếu. Tuy nhiên, cả phần chống trượt bằng nhựa ở đế dép hay đi trong nhà cũng có thể làm hỏng phần dệt trên bề mặt chiếu. Các bạn bắt buộc phải mang tất, bởi vì đi chân trần vào một căn phòng trang trọng sẽ bị xem là mất lịch sự, cũng như không hợp vệ sinh.
Một yếu tố quan trọng khác liên quan đến việc giữ cho chiếu tatami được bền lâu đó là đảm bảo các phòng được thông gió tốt, đặc biệt là phòng ngủ. Chúng ta có thể nâng chiếu lên và mang ra ngoài để thông gió, đồng thời cần thực hiện khoảng hai lần một năm vào mùa khô.
Quy tắc và niềm tin may mắn
Tương tự như ở chùa hay các đền thờ, việc bước chân lên ngưỡng cửa của một căn phòng trải chiếu tatami được xem là thô lỗ ở Nhật Bản. Mặc dù không biết chính xác lý do tại sao đây lại bị coi là một hành động không tốt, nhưng nó được cho là có liên quan đến việc xác định hành động vượt vào một không gian đã được thần thánh hóa. Lý do là phòng tatami thường có bàn thờ gia tiên hoặc được sử dụng cho những dịp đặc biệt nên chúng có ý nghĩa hơn các phòng khác.
Comments