Máy bán hàng tự động của Nhật Bản nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng các mặt hàng cụ thể bên trong của chúng lại không được nhiều người biết đến. Mặc dù có rất nhiều lựa chọn quen thuộc, nhưng cũng có một số loại nước giải khát đặc trưng của Nhật Bản để bạn thử. Ngoài ra, từ đồ uống thể thao với cái tên gọi độc đáo, cho đến các loại nước có ga với màu xanh lá cây tươi sáng thì các sản phẩm tại cửa hàng tiện lợi cũng là một loạt các lựa chọn thú vị.
1. Sữa chua uống Yakult
Yakult được biết đến trên toàn thế giới. Món đồ uống xuất xứ từ Nhật, và từ lâu đã giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim (và tủ lạnh) của mỗi gia đình Nhật Bản. Loại sữa chua được bán dưới dạng chai nhỏ 65ml hoặc 100ml, mang hương vị ngọt dịu chứa các lợi khuẩn như vi khuẩn Lactobacillus casei Shirota - được cho là hỗ trợ sức khỏe đường ruột. Thức uống này được phát minh vào những năm 1930 bởi Minoru Shirota, và được các quý bà Yakult giao tới tận nhà ở các nước như Nhật Bản, Đài Loan cũng như ở Nam Mỹ.
2. Nước ngọt không ga Calpis
Calpis - loại nước ngọt không ga có hương vị khác thường mà nhiều người có lẽ chưa từng thử qua trước khi đến thăm Nhật Bản. Với mùi hương của sữa cùng vị có tính axit, loại nước uống này thường được ví như sữa chua và đã xuất hiện từ năm 1919 - ban đầu được ưa chuộng vì có thể bảo quản tốt mà không cần làm lạnh. Calpis - cái tên này có vẻ hài hước trong tiếng Anh, nhưng thực chất là sự kết hợp của cal trong từ canxi và pis từ sarpis - một từ tiếng Phạn có nghĩa là bơ.
Ở Bắc Mỹ, loại thức uống này đã được đổi tên thành Calpico để tránh nhầm lẫn. Thức uống được cho là lấy cảm hứng từ airag, một sản phẩm sữa nuôi cấy truyền thống mà người sáng lập Calpis là Kaiun Mishima đã thử trong một chuyến đi đến vùng Mông Cổ, Trung Quốc. Calpis được làm bằng cách sử dụng sữa, nấm men và vi khuẩn axit lactic để lên men trước khi thêm đường và sau một thời gian lên men khác.
3. Nước uống thể thao Pocari Sweat
Pocari Sweat - Một trong những thương hiệu khác lạ hơn đối với nước giải khát của Nhật Bản, có hương bưởi nhẹ thực sự là một trợ thủ tuyệt vời trong những tháng hè nóng nực. Thức uống giải khát này được Otsuka Pharmaceutical tạo ra vào năm 1980, như một thức uống thay thế chất điện giải để bù nước và phục hồi. Mặc dù bản thân "Pocari" không có ý nghĩa gì, nhưng từ này được chọn vì ấn tượng nhẹ nhàng của nó, và "Sweat" dùng để chỉ các chất điện giải và chất dinh dưỡng bị mất trong quá trình tập luyện.
Thức uống này hiện đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và cái tên được cho là đã giúp nó trở nên nổi tiếng. Nước uống được bán theo gói dưới dạng bột, trong chai và lon - thường được bán trong các máy bán hàng tự động trên khắp Nhật Bản. Các thức uống giải khát phổ biến khác gồm có Kirin’s Salty Lychee và Aquarius.
4. Nước chanh Ramune
Ramune là loại đồ uống mang hơi hướng hoài cổ thường thấy trong các lễ hội Nhật Bản, cửa hàng đồ ngọt hay cửa hàng địa phương. Ramune là sản phẩm đầu tiên có hương vị nước chanh tại Nhật Bản. Năm 1884, dược sĩ người Scotland, Alexander Cameron Sim đã giới thiệu một thức uống giống như nước chanh có ga đến thành phố cảng Kobe. Nó được biết đến với cái tên “mabu soda”.
Sau đó, việc đặt viên bi trong chai nhằm tạo cơ chế dễ mở, cũng như góp phần trong việc ngăn ngừa bệnh tả đã giúp món đồ uống này nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn quốc. Những viên bi được giữ lại cùng với những chiếc chai thủy tinh, là món đồ chơi yêu thích của trẻ em, gia đình cũng như những người muốn hồi tưởng lại những kỷ niệm mùa hè. Ban đầu, hương vị nước uống chỉ có chanh vàng và chanh xanh, song ngày nay thì có nhiều hương vị đa dạng hơn. Chẳng hạn như vị anh đào, yuzu, dưa lưới, xạ hương, sâm panh và một số hương vị khác lạ như teriyaki (sốt thịt nướng) và wasabi.
5. Rượu ngọt Amazake
Amazake là một loại đồ uống dùng nóng được làm từ gạo trắng, có vị ngọt tự nhiên và được mọi lứa tuổi yêu thích.
Mặc dù thường chứa một lượng cồn thấp (dưới 1%), nhưng Amazake cũng có thể được sản xuất mà không chứa cồn. Trong kỹ thuật truyền thống, người ta sử dụng gạo đã xay nhuyễn (làm cho nó không chứa cồn) hoặc sử dụng rượu sake (làm cho nó có độ cồn thấp) cho quá trình lên men. Amazake chứa đường, axit amin, enzym và vitamin B, mang lại hương vị vừa ngon vừa bổ dưỡng. Amazake thường được bán trong các quán trà vào mùa đông, và tại các cửa hàng quanh năm bất kể tiết trời nóng hay lạnh.
6. Nước ngọt Melon Soda (Soda vị dưa lưới)
Mặc dù Melon Soda không phải là một thức uống truyền thống của Nhật Bản, nhưng loại thức uống có màu xanh lá cây tươi sáng này đáng để bạn thử trong chuyến đi của mình. Nó có hương vị tương tự như soda kem nhưng kèm với si-rô dưa lưới. Tuy không giống vị dưa nhưng loại nước uống này vẫn thơm ngon một cách kỳ lạ. Chúng ta có thể thưởng thức Melon soda tại các máy pha đồ uống trong nhà hàng gia đình hoặc quán karaoke. Hương vị này đã được các thương hiệu lớn bao gồm Fanta áp dụng cho thị trường Nhật Bản. Một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là Sangaria, nhưng các thương hiệu khác như Suntory cũng có loại nước uống mang vị dưa lưới này.
7. Nước tăng lực Dekavita C
Hứa hẹn sẽ tăng cường vitamin cho người dùng, Dekavita C là sản phẩm chủ yếu dành cho những ai đang cảm thấy mệt mỏi. Bạn có thể nhận ra loại nước uống này ngay, bởi đây là mặt hàng chủ lực trên các kệ hàng đồng thời nó được coi là một phương pháp hiệu quả để chữa chứng nôn nao do say rượu. Cái tên Dekavita C là sự kết hợp của“Deka” có nghĩa là “lớn”, “vit” từ vitamin và C từ vitamin C. Nó chứa tám loại vitamin khác nhau cùng chiết xuất sữa ong chúa, bao gồm vitamin B1, B2, B6, B12, C và P cũng như niacin và axit pantothenic. Do đây là nước có ga nên hương vị mật ong nhẹ trở nên khá sảng khoái, dẫu vậy, nó không có vị cam quýt như bạn có thể mong đợi.
8. Nước giải khát Mitsuya Cider
Japanese Cider là loại thức uống không cồn gần giống với hỗn hợp bia gừng và nước chanh. Mặc dù hương vị không mạnh nhưng nước giải khát này khá phổ biến, đặc biệt nó thường dùng để pha chung với rượu. Thương hiệu nổi tiếng nhất cho loại nước uống này là Mitsuya - đã có mặt trên thị trường từ năm 1884. Thuộc sở hữu của Asahi, thương hiệu này cũng sản xuất một loại kẹo có ga nổi tiếng làm từ Mitsuya Cider. Tương tự như Boss Coffee, sự chứng thực của những người nổi tiếng đã giúp đẩy mạnh thương hiệu này trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Ngôi sao nhạc pop Rick Astley từng là gương mặt đại diện cho thương hiệu này trong suốt những năm 80 và 90.
9. Trà lúa mạch: Mugicha
Đây là loại trà được yêu thích vào mùa hè, làm từ lúa mạch rang và được gọi là "Mugicha" trong tiếng Nhật. Mặc dù trà xanh phổ biến hơn, nhưng trà lúa mạch vẫn có một vị trí vững chắc, bởi nó được cho là một thức uống bù nước tuyệt vời trong thời tiết nóng bức (mặc dù nó có sẵn quanh năm). Mùa hè đến, các nhà hàng sẽ phục vụ trà lúa mạch cho thực khách, các cửa hàng tiện lợi cũng xếp đầy trà tại quầy bán, và các máy bán hàng tự động sẽ luôn dự trữ đầy ắp trà lúa mạch. Mang hương vị dịu nhẹ đặc trưng và thưởng thức bằng hậu vị, trà lúa mạch sẽ sớm trở thành đồ uống được mọi người lựa chọn.
10. Cà phê Boss
Đây là loại cà phê đóng lon ở Nhật Bản, do thương hiệu Suntory’s Boss Coffee bày bán rộng rãi tại các máy bán hàng tự động và cửa hàng tiện lợi trên khắp đất nước. Bắt đầu từ năm 1992 cho đến nay, cà phê Boss có tới hơn 40 loại, bao gồm Boss Bosspresso, Boss Cafe au Lait và Boss Black. Thức uống này được bán nóng hoặc lạnh theo mùa như vẫn thường thấy ở Nhật Bản. Một trong những lý do khiến thương hiệu này trở nên nổi tiếng một cách nhanh chóng là bởi có sự chứng thực của những nhân vật đình đám đến từ Hollywood, như Tommy Lee Jones.
Comments