FUN! JAPAN PR

Tỉnh Iwate - Nhìn lại 10 năm sau trận động đất và sóng thần Tōhoku xảy ra vào năm 2011

Trận động đất sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011 tại vùng Đông Bắc Nhật Bản (hay còn được gọi là Tohoku) là trận động đất lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, và là trận động đất lớn thứ tư được ghi lại trong lịch sử thế giới kể từ năm 1900. Cho đến ngày hôm nay, thảm hoạ kép 10 năm trước vẫn để lại bao hồi ức và nỗi niềm khắc khoải. Đó là những hoài bão “chấn hưng” thành phố, những nỗ lực đóng góp cho nền giáo dục phòng chống thiên tai, những hy vọng gửi gắm thế hệ trẻ đến thắp lửa tinh thần kiên cường quật khởi vốn có vùng đất cổ kính lịch sử Tohoku.

Ba tỉnh hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất của thảm hoạ thiên tai kép này lần lượt là Iwate, Miyagi, và Fukushima. Khu vực đường bờ biển chạy dọc từ Bắc xuống Nam bao gồm ba tỉnh này được gọi là Sanriku.

Tỉnh Iwate là tỉnh có diện tích lớn thứ hai Nhật Bản (chỉ sau Hokkaido). Với địa hình nhiều đồi núi trắc trở, trong quá khứ cũng từng hứng chịu nhiều thảm hoạ thiên tai, Iwate có thể không phải là tỉnh thành phát triển trù phú, nhưng người dân Iwate luôn khiến chúng ta phải khâm phục với tinh thần quật cường vượt lên khó khăn.

Tuyến đường sắt Sanriku đang hoạt động với những nụ cười cùng lời chúc phúc

Đường sắt Sanriku, biểu tượng của việc tái thiết từng xuất hiện trong bộ phim truyền hình buổi sáng “Ama-chan” của đài NHK. Chỉ sau 5 ngày xảy ra động đất, một số lộ tuyến đã hoạt động lại, vượt quá nhiều gian khó và là chỗ dựa tinh thần cho người dân đia phương.

Mặc dù phong cảnh quanh các tuyến đường sắt đã khác nhiều, nhưng tấm lòng mong muốn được mang lại những trải nghiệm độc nhất vô nhị tại đây vẫn không hề thay đổi! Tuyến tàu luôn chào đón bạn đấy♪

Hiện tại, các hoạt động hướng dẫn phòng chống thiên tai như “chuyến tàu học tập về thảm họa động đất” đang được tiến hành.

Con đê “Vạn lý trường thành” và sân bóng chày mới tại thị trấn Taro 

Thị trấn Taro ngụ tại bờ biển phía đông thành phố Miyako, tỉnh Iwate. Trước trận động đất, Taro vốn cũng là một thị trấn phát triển, có những con phố mua sắm nhộn nhịp. Thị trấn nhỏ này còn được biết đến là nơi trong 100 năm có tới ba cơn đại sóng thần kéo đến. Vì vậy, từ xưa bao quanh vùng ven biển Taro đã có một con đê kiên cố cao hơn 10m, kéo dài gần 2.5km, được người dân gọi là “Đê vạn lý trường thành”. Ngoài ra, sau này còn có hai con đê khác cao khoảng 5m. Trận sóng thần năm ấy vượt qua cả ba con đê, làm sập hai con đê số 2 và số 3, quét sạch hầu hết nhà cửa và hàng quán trong thị trấn.

Sau thảm hoạ năm ấy, khu vực sát đê hầu như không được dùng để ở nữa, dân cư đa phần cũng chuyển đi, rất ít người chọn lựa ở lại thị trấn Taro. Những người ở lại đã cùng nhau xây nên sân bóng chày tại chính khu đất bị sóng thần tàn phá. Trên hình là bác Motoda, cũng là một trong những nạn nhân hứng chịu thảm hoạ năm ấy, hiện đang làm nhân viên công tác giáo dục phòng chống thiên tai tại thị trấn Taro.

Đây là khách sạn du lịch thị trấn Taro. Khách sạn cũng chịu ảnh hưởng từ trận sóng thần năm ấy, nên giờ được duy trì làm địa điểm tưởng niệm lịch sử. Trên tầng cao nhất của khách sạn, bác Motoda đã cho chúng tôi xem những đoạn phim được quay lại về ngày 11/3 năm đó từ chính căn phòng của khách sạn này. Có đoạn phim quay lại cảnh sóng thần đang tiến dần từ ngoài khơi xa vào, vậy mà có bà cụ đang từ trong nhà lại đi ra vườn để bắt gà lại, không cho nó chạy lung tung. Kết cục, hẳn ai cũng đoán được, cụ bà, căn nhà, và cả thị trấn bị nhấn chìm trong cơn sóng thần cuồng bạo.

Trong suốt buổi dẫn đoàn, bác Motoda liên tục nhấn mạnh, công tác giáo dục phòng chống thiên tai cần ưu tiên trước hết phải cứu lấy bản thân. Tư duy này có lẽ sẽ có người cho là ích kỉ, bác nói, tuy nhiên, khi đại thảm hoạ ập tới, thì chỉ có vài giây thôi cũng có thể quyết định sống chết. Trước tiên, cần đảm bảo an toàn bản thân, chạy tới khu vực lánh nạn, sau đó khi bản thân đã đảm bảo được an toàn rồi mới nghĩ đến việc đi ứng cứu người khác. Thảm hoạ không phân biệt người thân hay gia đình, nếu chậm trễ thì cả bản thân lẫn người thân cũng sẽ đều bị sóng thần cuốn đi mất. Có thể sống sót qua thảm hoạ đã là điều rất tốt rồi.

Con đường lánh nạn được tu sửa sau khi trận sóng thần năm ấy, giúp cả người đi bộ và xe ô tô có thể thuận lợi lên đường núi.

Quán trọ Horaikan với người đẹp, cảnh đẹp

Dừng chân tại quán trọ Horaikan có suối nước nóng ấm áp, chúng ta có thể nghe thấy tiếng sóng thủy triều rì rào…

Sau trận động đất, cô chủ quán trọ Iwasaki bắt đầu xây dựng địa điểm lánh nạn, cùng “Kizuna no Michi (Con đường kết nối)” đằng sau núi để chạy trốn phòng khi sóng thần đến.

Cách chào đón “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” cũng vô cùng nồng nhiệt :)

 

Thưởng thức hải sản sashimi tươi ngon được vớt lên từ vùng biển lân cận thật hết ý ^^ 

Thành phố Kamaishi, nơi có môn bóng bầu dục mang lại năng lượng và ước mơ

Sân vận động tưởng niệm Kamaishi Unosumai được xây dựng với mục đích tái thiết sau thảm họa động đất, là nơi tổ chức Giải vô địch Bóng bầu dục Thế giới vào ngày 25/9/2019.

Bóng bầu dục vốn luôn là niềm tự hào và thế mạnh của người dân vùng Hokkaido và Tohoku. Đặc biệt, đội tuyển bóng bầu dục thành phố Kamaishi (tỉnh Iwate) được mệnh danh là “Người sắt đến từ phương Bắc”, cũng chính nhờ sự vô địch bất bại của đội tuyển này.

Sau trận động đất sóng thần năm đó, sân vận động bóng bầu dục thành phố Kamaishi càng mang ý nghĩa thiêng liêng hơn hết đối với người dân nơi đây, cổ vũ tinh thần vươn lên bất diệt. Năm 2019, sân vận động được chọn là một trong những sân vận động đăng cai tổ chức Cúp vô địch thế giới bóng bầu dục (2019 Rugby World Cup), thu hút sự chú ý của cả thế giới về thị trấn nhỏ bé mà đầy sức mạnh kiên cường này.

Đền thờ “bóng bầu dục” nằm phía sau sân vận động là địa điểm fan hâm mộ không thể bỏ qua!

Ngâm rượu dưới đáy đại dương?! Rượu sake ngon tuyệt mang hương vị tinh túy của vùng biển Iwate

Sau động đất, hoạt động trải nghiệm ngâm rượu dưới biển mới lạ đã được ra mắt tại vịnh Hirota.

Với thế mạnh là vùng biển trù phú, tài nguyên biển dồi dào, Liên đoàn thể thao ngư nghiệp vùng vịnh Hirota (tỉnh Iwate) đã thiết kế một tour trải nghiệm rất độc đáo: ngâm rượu dưới đáy đại dương! Người tham gia tour có thể tự mang đến loại rượu mình thích, hoặc được cung cấp loại rượu nổi tiếng vùng Tohoku - rượu Suisen, sau đó cùng hướng dẫn viên đoàn ngồi thuyền ra khơi và đem ngâm chai rượu ở độ sâu 10-30m dưới đáy đại dương.

Chai rượu sẽ được ngâm trong vòng 10 tháng, bạn đoán xem vị sẽ có gì thay đổi? Hương vị dịu nhẹ mằn mặn của muối biển sẽ ngấm vào rượu, ăn kèm chút hải sản quả là trên cả tuyệt vời. Tour trải nghiệm độc đáo này đã thu hút không ít du khách đến khám phá tỉnh Iwate. Cái này mà mang về làm quà lưu niệm thì hết ý♪

Bài viết liên quan

Mục lục

Giới thiệu thêm