Vào thời điểm giao mùa từ đông chuyển sang xuân, khắp các con phố Nhật Bản đầy rẫy sản phẩm liên quan đến dị ứng phấn hoa. Có thể nói, đối với người Nhật thì mùa xuân vừa vui lại vừa buồn. Mặc dù có hoa anh đào nở rộ khoe sắc, nhưng phần lớn mọi người đều lo ngại về căn bệnh dị ứng phấn hoa (Kafunsho). Căn bệnh nếu một lần đã mắc phải thì sẽ theo cả đời. Vì vậy họ phải dùng khẩu trang, đeo kính hay thậm chí là uống thuốc để phòng bệnh.
Vậy bệnh dị ứng phấn hoa là gì? Hãy để FUN! JAPAN giải đáp căn bệnh bí ẩn này nhé.
Bệnh dị ứng phấn hoa là gì?
Bệnh dị ứng phấn hoa (Kafunsho) là phản ứng của cơ thể con người đối với phấn hoa. Bệnh có các triệu chứng như hắc xì, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt và thậm chí là cả lở da. Đặc biệt là vào mùa xuân, phấn hoa của các loại cây liễu sam phát tán rộng là nguyên nhân khiến cơ thể con người không thích ứng được xảy ra các triệu chứng trên.
Phấn hoa liễu sam khá đặc trưng tại Nhật, và khoảng 20% trên tổng số người Nhật đang mắc cơn bệnh này. Cả người ngoại quốc sống tại Nhật cũng có khả năng nhiễm bệnh. Không chỉ con người mà đến cả khỉ trong sở thú, hay mèo ở trong nhà cũng có nguy cơ bị nữa!
Thời điểm dễ phát bệnh dị ứng phấn hoa
Người mắc bệnh thường gặp khó khăn vào mùa xuân và thu. Thời điểm phấn hoa phát tán khác nhau tùy theo loại cây và khu vực, song vào mùa xuân thì tiêu biểu có phấn hoa của cây liễu sam, tuyết tùng. Phấn hoa của những loại cây này bay xa từ hàng chục cây số lên đến hàng trăm cây số!
Vậy nên cả khu đô thị ít có cây cối cũng tràn ngập phấn hoa. Mùa thu thì có các loại cỏ phấn hương, ngải dại phát tán nhiều vào tháng 9.
Bệnh dị ứng phấn hoa bắt nguồn từ khi nào?
Bệnh dị ứng phấn hoa có lịch sử khá lâu đời, bắt nguồn từ những năm 1800 trước công nguyên. Tại vùng Babylonia (hiện là miền nam Irak, thuộc vùng hạ lưu của sông Tigris và sông Euphrates) có lưu lại dấu tích về căn bệnh tương tự như bệnh dị ứng phấn hoa. Tính liên quan giữa phấn hoa và bệnh viên mũi mãn tính do dị ứng theo mùa được làm sáng tỏ vào thế kỷ 19. Vào thời bấy giờ, ở Anh có nhiều người thường mắc bệnh cảm khi hè về. Hầu hết các bệnh nhân đều làm việc liên quan đến chăn nuôi gia súc, và cứ đến thời kỳ cắt cỏ là bệnh lại tái phát nên còn được gọi là "hay fever (sốt cỏ khô)".
Trường hợp bị mắc bệnh dị ứng phấn hoa đầu tiên tại Nhật được phát hiện vào năm 1961, nhiễm phấn hoa của loại cỏ phấn hương. Bệnh dị ứng phấn hoa từ cây liễu sam xuất hiện vào năm 1963, từ cây cỏ ba lá vào năm 1964, và ngải dại vào năm 1969, cho đến ngày nay đã có 60 loại cây gây nên bệnh dị ứng phấn hoa tại Nhật.
Chỉ có tỉnh Hokkaido và Okinawa là không bị dị ứng phấn hoa!?
Tuy nhiên, ở một số nơi như tỉnh Hokkaido nằm tận cùng phía bắc Nhật Bản thì không có cây liễu sam. Càng hướng về phía bắc thì các khu vực địa phương lại càng ít có phấn hoa của cây liễu sam. Hay tỉnh Okinawa nằm tận cùng phía nam Nhật Bản thì có số lượng cây tuyết tùng, liễu sam ít hơn so với vùng trung tâm nên hầu như không có người bị mắc bệnh.
Hẳn sẽ có bạn thắc mắc rằng "Đi du lịch Nhật Bản trong thời gian này thì có mắc bệnh không?" Vì bệnh chỉ phát khi một lượng phấn hoa vượt quá tiêu chuẩn xâm nhập vào người, nên những bạn không trư cú tại Nhật trong thời gian dài thì không cần phải lo nhé ^^
Comments