Nhật Bản nổi tiếng với các loại hải sản tươi ngon, sushi bắt mắt, nhưng các đặc sản của vùng miền thì ít được biết đến. Chúng ta có thể tìm mua các đặc sản này trên toàn Nhật Bản, tuy nhiên nếu bạn muốn thưởng thức hương vị "đúng chuẩn" bản xứ thì nên tìm đến khu vực địa phương.
Chẳng hạn như nếu muốn ăn cua ngon thì nên đến Hokkaido, hay cá nóc thì nên đến tỉnh Yamaguchi... không chỉ thưởng thức món ăn ngon mà còn có thể tìm hiểu về đặc trưng của từng vùng.
Hokkaido: Tất tần tật các loại cua
Nếu đã đến Hokkaido, vùng đất nằm tận cùng phía Bắc Nhật Bản thì không thể không nếm thử món cua mọng nước. Khí hậu của vùng biển Okhotsk, vùng biển Thái Bình Dương tạo điều kiện cho các loại sinh vật biển có gai. Thị trấn Hiroo, thành phố Kushiro và thị trấn Omu là những thành phố nổi tiếng về cua. Cua ở Hokkaido có rất nhiều loại đa dạng, trong đó đặc biệt nổi tiếng là cua lông ngựa, cua hoàng đế, với giá khá đắt.
Thời điểm thưởng thức cua lông ngựa lý tưởng nhất là từ tháng 4 đến tháng 8, tháng 11 đến tháng 12, và cua hoàng đế thì từ tháng 9 đến tháng 1. Bạn cũng có thể thưởng thức cua tuyết từ tháng 9 đến tháng 3, hay cua hoàng hậu từ tháng 8 đến tháng 10. Thịt cua thường được dùng để topping trên cơm hải sản donburi, tẩm gia vị nhẹ để ăn cùng hoặc ăn tươi.
Tỉnh Akita: Nổi tiếng với cá cát Nhật Bản
Cá cát Nhật Bản, hay còn có tên gọi "Hatahata" trong tiếng Nhật, là đặc sản mùa đông của tỉnh Akita. Chúng ta có thể thưởng thức qua nhiều hình thức như nướng, ăn sống "sashimi" hoặc làm lẩu. Vì thời điểm lý tưởng để thưởng thức cá chỉ có trong vài tuần mùa đông, nên người dân địa phương còn có thói quen bảo quản cá bằng cách chế biến món Hatahata-zushi.
Trước đây, để làm Hatahata-zushi, cá chỉ được ngâm muối đơn giản, nhưng ngày nay thì mọi người sẽ cắt ra ngâm giấm, để ráo nước và bảo quản cùng với gạo lứt, các loại rau địa phương rồi đậy bằng lá tre. Sau khi trải qua một vài công đoạn lên men, món Hatahata-zushi hương vị dịu nhẹ sẽ được hoàn thiện.
"Shottsuru" là một loại nước sốt, sử dụng cá cát của tỉnh Akita làm nguyên liệu chính. Chúng ta có thể sử dụng làm gia vị cho các món ăn hoặc ăn cùng với lẩu Shottsuru.
Tỉnh Toyama: Mực đom đóm
Mực đom đóm của tỉnh Toyama, hay còn gọi là "hotaru-ika" không chỉ phát sáng tuyệt đẹp khi màn đêm buông xuống, mà còn biết đến là món ăn ngon. Loài mực này thường đến bờ biển từ giữa tháng 4 đến tháng 5, phát ra ánh sáng xanh lung linh trên mặt nước.
Nhiều du khách tìm đến các vùng biển để tham quan, cũng như thưởng thức món ăn được chế biến theo phương thức truyền thống. Khi ghé thị trấn tại đây, bạn có thể tìm đến các nhà hàng, quán ăn để thưởng thức các món mực đom đóm như tempura, sashimi, mực nướng hoặc luộc rồi ăn cùng với súp miso...
Tỉnh Kanagawa: Cá cơm Shirasu
Cá cơm "shirasu" là đặc nổi tiếng của tỉnh Kanagawa - nơi nằm cạnh thủ đô Tokyo. Thật ra, món ăn thường được kết hợp từ các loại cá sống như cá mòi con, cá trích, cá cát, cá mồi trắng hoặc shirasu, với vị hơi mặn.
Từ tháng 4 đến tháng 12, cá con thường được chế biến làm món cơm shirasu-don. Nếu không thích ăn sống thì bạn có thể chọn các món được chế biến theo hình thức luộc. Món sống thì có độ giòn tươi hơn, nhưng bạn có thể thưởng thức cả hai và so sánh.
Tỉnh Yamaguchi - Cá nóc
Cá nóc ("fugu" trong tiếng Nhật) có thể là một trong những món hải sản "nguy hiểm" nhất, dù có hương vị thơm ngon nhưng có khả năng gây chết người. Loại cá này phải do những đầu bếp có tay nghề cao chế biến cẩn thận, để đảm bảo hương vị và độ an toàn. Các đầu bếp chuyên nghiệp được đào tạo trong vài năm, phải vượt qua các kỳ thi cấp chứng chỉ được chế biến các món cá nóc. Vì vậy, chúng ta nên đến cơ sở có uy tín để thưởng thức món ăn.
Thành phố ven biển Shimonoseki, ở tỉnh Yamaguchi là nơi có sản lượng cá nóc nhiều nhất, chiếm 80% tổng số nguồn cung trên toàn nước Nhật. Thịt cá trong suốt được cắt thành từng lát đều và trang trí đẹp mắt. Cá thường được dùng để ăn sống, nhưng chúng ta cũng có thể thưởng thức qua hình thức hấp hoặc nướng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thưởng thức các loại rượu sake nóng như hirezake (rượu sake nóng ngâm với vây cá nóc).
Tỉnh Ehime: Cá tráp
Cá tráp, hay còn gọi là cá "Tai", thường được biết đến qua món bánh hình cá "Taiyaki", và là loại cá phổ biến trong các món ăn ở Nhật Bản. Món cá không chỉ có hương vị thơm ngon, tinh tế mà còn mang ý nghĩa may mắn vì có phát âm giống với từ "medetai" - đáng mừng, chúc mừng trong tiếng Nhật.
Tỉnh Ehime nổi tiếng là nơi có đặc sản cá Tai, cùng các món ăn không thể bỏ qua. Bạn có thể thưởng thức món cơm "tai-meshi". Ở miền Trung Ehime, cơm và cá Tai được chế biến với gia vị muối hoặc nước tương. Ở miền Nam Ehime, chúng ta có thể thưởng thức món cá Tai sống, cùng với nước sốt được làm từ trứng sống và nước tương.
Tỉnh Saga: Cá thòi lòi
Cá thòi lòi đặc sản nổi tiếng của tỉnh Saga, thường sống ở các vùng bãi bồi. Cá thường xuất hiện nhiều từ tháng 5 đến tháng 9. Người dân thường thưởng thức bằng hình thức nướng đặc trưng, gọi là "mutsugoro-no-kabayaki" trong tiếng Nhật.
Thông thường, cá thòi lòi được nướng bằng que xiên trên bếp than, cùng với nước sốt tương ngọt. Chúng ta có thể tìm mua và thưởng thức tại các điểm tham quan, lễ hội, izakaya (quán rượu Nhật Bản) và các quán hải sản.
Comments