Hai chiếc bánh dẻo mochi lớn và nhỏ có trái quýt được đặt trên cùng. Đây được gọi là bánh Kagami mochi, loại bánh thường được dùng để trang trí vào những ngày Tết đầu năm tại Nhật Bản. Việc đập vỡ bánh dẻo Kagami mochi được gọi là “Kagami Biraki”. Đây đều là phong tục truyền thống vào ngày Tết của Nhật Bản. Vì sao lại trang trí bánh Kagami mochi vào ngày Tết? Và việc đập vỡ bánh - “Kagami Biraki” có ý nghĩa như thế nào? Hãy xem giải thích sau đây nhé!
Bánh Kagami mochi là gì?
Kagami mochi là nơi để vị thần năm mới “Toshigami-sama” trú ngự vào những ngày Tết đầu năm. Vì vậy, người Nhật thường dùng bánh để cúng tế thần linh vào dịp lễ Tết. Hai chiếc bánh lớn và nhỏ mang ý nghĩa “thêm một năm mới đầy viên mãn sẽ lại đến”. Bên cạnh đó, những vật trang trí xung quanh cũng đều có ý nghĩa như sau.
Quýt daidai (橙): Cầu cho con cháu đời đời thịnh vượng (Trong tiếng Nhật, cách phát âm chữ “đời đời (daidai)” trùng với loại quýt daidai.)
- Ngự tệ (御幣 - chiếc đũa phép có gắn chỉ thuỳ): Màu đỏ tượng trưng cho việc trừ ma, cầu mong hưng thịnh.
- Giấy trắng đỏ Tứ Phương Hồng (四方紅): Cầu mong hưng thịnh, xua đuổi tai ương
- Lá dương xỉ (裏白): Cầu mong trường thọ
Vì sao & khi nào sự kiện Kagami Biraki được tổ chức?
Kagami Biraki là phong tục dùng bánh dẻ Kagami mochi để làm các món ăn như súp zoni (món canh có bánh dày nướng) hoặc chè đậu đỏ shiruko. Ăn bánh Kagami mochi có thể nhận được sức mạnh từ vị thần năm mới, xua đuổi bệnh tật tai ương. Ngoài cách ăn trên, mọi người cũng thường chiên bánh bằng dầu, sau đó rắc muối hoặc chan nước tương ăn cùng.
Thời gian chế biến món bánh và thưởng thức (Kagami Biraki) thường được thực hiện sau những ngày Tết, từ khoảng 7/1 đến 11/1. Tùy theo vùng miền, cũng có nơi làm vào khoảng 15/1 - 20/1. Phong tục này được bắt nguồn từ một gia tộc võ sĩ. Ban đầu, bánh được dùng dao để cắt nhưng vì việc này dễ gây liên tưởng đến việc dùng dao mổ bụng không lành, nên đã được chuyển qua đập bằng tay hoặc búa gỗ. Bên cạnh đó, cách dùng từ “đập vỡ” bánh cũng có vẻ không lành nên mọi người đã bắt đầu dùng biểu hiện “mở rộng (hiraki)” bánh. Từ đó, sự kiện đã được gọi là Kagami Biraki.
Chuyên mục phụ: Việc mở thùng rượu Taruzake cũng được gọi là Kagami Biraki
Những bạn đã từng đến Nhật có lẽ đã thấy qua cảnh người Nhật đập vỡ thùng rượu sake bằng búa gỗ tại các sự kiện như khai trương cửa hàng, đám cưới hoặc các buổi tiệc lễ. Sự kiện đập vỡ thùng rượu Taruzake bằng búa gỗ cũng được gọi là “Kagami Biraki”. Có truyền thuyết nói lý do là vì loại rượu sake được làm từ gạo lên men được cho là “giúp tăng đôi năng lực tâm linh”, vì vậy đã được dùng để cúng tế thần linh. Từ đó, bắt nguồn theo phong tục “Kagami Biraki” ngày Tết đến, phong tục mở rượu taruzake cũng dần được gọi là Kagami Biraki. Ngoài ra còn có truyền thuyết cho rằng vì nắp thùng rượu có hình tròn, trông giống như cái gương (kagami) nên việc mở nắp thùng rượu được gọi là “Kagami Biraki (Mở Gương)”.
Kagami Biraki mang ý nghĩa “mở vận” và thích hợp cho nhiều trường hợp, sự kiện ăn mừng. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản vào những ngày đầu năm, hãy thử trải nghiệm phong tục đậm chất Nhật Bản này, nhận nguồn năng lượng từ vị thần năm mới để xua tan bệnh tật nhé ^^
Comments