10 kiệt tác của kiến trúc sư Kengo Kuma. Starbucks, bảo tàng, Sân vận động Quốc gia, v.v.
Sau một năm hoãn lại, Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo được tổ chức vào mùa hè năm 2021. Thiết kế của Sân vận động Quốc gia, nơi diễn ra sự kiện chính, được thực hiện bởi kiến trúc sư Nhật Bản nổi tiếng thế giới người Nhật Bản Kengo Kuma (sinh năm 1954). Mặc dù giải đấu được tổ chức mà không có khán giả, nhưng ghế ngồi tại Sân vận động Quốc gia đã được thiết kế theo 5 màu từ trước (dường như đã tính trước), tạo ra một không gian như thể đang đón một lượng lớn khán giả. Kuma chia sẻ:
"Những nơi như sân vận động, hay những nơi đông người tụ tập, thì dù có người hay không cũng phải là một nơi thân thiện, ấm áp và không trống vắng. Dù là thời đại nào, dù nhân loại phải đối mặt với điều gì, suy nghĩ đó cũng không thay đổi."
Với tư tưởng đó, ông đã trải qua những gì trước khi thực hiện sự án Sân vận động Quốc gia này? Bài viết này sẽ giới thiệu về tiểu sử và danh ngôn của kiến trúc sư Kengo Kuma, cũng như các công trình tiêu biểu của ông tại Nhật Bản.
Tiểu sử kiến trúc sư Kengo Kuma
Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu tiểu sử của Kengo Kuma, động lực trở thành kiến trúc sư và một số công trình kiến trúc tiêu biểu của ông. Kengo Kuma sinh năm 1954 tại Yokohama, tỉnh Kanagawa. Theo lời ông, cha ông là "một nhân viên làm việc cho một công ty cứng nhắc", nhưng cũng là một người "yêu thích thiết kế và kiến trúc" (Kengo Kuma, "Gửi tới những ai muốn trở thành kiến trúc sư (Kỹ năng sống cho tuổi 14)" (Kawade Shobo Shinsha, 2021)).
Thời thơ ấu của Kengo Kuma: Động lực để trở thành một kiến trúc sư
Sau đây, hãy cùng điểm qua hành trình trở thành kiến trúc sư của Kuma qua lời kể của ông trong cuốn sách "Gửi tới những ai muốn trở thành kiến trúc sư". Ông đã được truyền cảm hứng để trở thành một kiến trúc sư khi còn học lớp bốn. Vào thời điểm đó, người thiếu niên đang chịu ảnh hưởng bởi "Loạt truyện về Bác sĩ Dolittle" và muốn trở thành một bác sĩ thú y trong tương lai, đã nhìn thấy một công trình nổi tiếng ở Tokyo.
"Tôi thường được hỏi "Bạn đã quyết định trở thành một kiến trúc sư từ khi nào?", và tôi trả lời, 'Khi cha tôi đưa tôi đến xem Sân vận động Quốc gia Yoyogi thiết kế bởi Kenzo Tange trong Thế vận hội Tokyo lần thứ nhất năm 1964, tôi đã quyết định trở thành một kiến trúc sư.' Lúc đó tôi đang học lớp bốn tiểu học. Nói thế nào đi nữa, tôi đã rất ngạc nhiên vì đó là một công trình vô cùng phong cách. Khi tôi hỏi cha tôi, "Ai đã tạo ra nơi này?" ông nói với tôi, "Nó được thiết kế bởi một kiến trúc sư tên là Kenzo Tange." Cho đến trước ngày hôm đó, tôi thậm chí còn không biết rằng có một nghề gọi là kiến trúc sư."
Sân vận động Quốc gia Yoyogi được xây dựng cho Thế vận hội 1964 và được coi là một trong những kiệt tác của kiến trúc sư Kenzo Tange (1913-2005). Kết cấu "mái treo" với những cột trụ cao đặc trưng nổi bật của nơi này đã gây ấn tượng mạnh với cậu bé Kuma vào thời điểm đó (thậm chí bây giờ, có lúc vẫn có thể thấy những cây cột cao này qua các camera phát sóng trực tiếp của NHK). Tại Thế vận hội Tokyo 2021, sân vận động cũng được sử dụng làm địa điểm tổ chức thi đấu bóng ném.
Sau cuộc gặp gỡ này, Kuma trở thành một "kẻ săn đuổi" kiến trúc và tiếp tục tham quan các tòa nhà hiện đại xung quanh Tokyo, chẳng hạn như Nhà Văn hóa Tokyo do Kunio Maekawa thiết kế, Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật Phương Tây do Le Corbusier thiết kế và Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Kanagawa, do Junzo Sakakura thiết kế.
Kiệt tác của kiến trúc sư Kengo Kuma (sơ bộ)
Trải qua thời cao học với trải nghiệm tham quan học tập ở châu Phi, Kuma đã làm việc 3 năm cho một công ty thiết kế lớn và 3 năm tại một công ty xây dựng lớn. Sau đó, ông du học tại Đại học Columbia ở New York, và sau khi trở về Nhật Bản vào năm 1990 đã thành lập Văn phòng Thiết kế Kiến trúc Đô thị Kengo Kuma của riêng mình. Từ đây, hãy thay đổi góc nhìn và điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu của Kuma.
Từ quán Starbucks tới Bảo tàng. 5 công trình tiêu biểu dễ tiếp cận dành cho khách du lịch
1. Sân vận động quốc gia (Tokyo)
Trước hết, chúng tôi muốn giới thiệu Sân vận động Quốc gia ở Shinjuku-ku, Tokyo,nơi đã được đề cập ở đầu bài viết này. Ngay cả sau khi kết thúc Thế vận hội Olympic và Paralympic, các cuộc thi thể thao, buổi hòa nhạc và các sự kiện khác vẫn được tổ chức tại đây. Hiện nay, với "Tour tham quan sân vận động quốc gia", bạn có thể trực tiếp ghé thăm các đường đua, phòng chờ VIP và các cơ sở khác trong sân vận động. Vui lòng tham khảo bài viết sau để iết chi tiết về tour này.
2. Starbucks Reserve ® Roastery Tokyo (Tokyo)
Thiết kế ngoại thất của cửa hàng Starbucks Reserve ® Roastery Tokyo, nằm ở phường Meguro của Tokyo, được thiết kế bởi Kengo Kuma. Đúng như tên gọi "Roastery", cửa hàng này thực sự có một máy rang cà phê trong cửa hàng, nơi bạn có thể tham khảo ý kiến của nhân viên pha chế và uống thử các loại cà phê, đồng thời cũng có thể thưởng thức các loại trà pha từ hojicha hay matcha,vv... tại tầng chuyên về trà.
👉 Cốc sứ, bình giữ nhiệt... 3 cửa hàng Starbucks ở Tokyo cung cấp các sản phẩm phiên bản giới hạn
3. Bảo tàng Kadokawa Musashino (Saitama)
Ở khu vực Thủ đô, còn có Bảo tàng Kadokawa Musashino ở Sakura Tokorozawa Town tại Tokorozawa, tỉnh Saitama, cũng được biết đến là một công trình do Kengo Kuma phụ trách giám sát thiết kế. "Nhà hát kệ sách" với "không gian thư viện được bao quanh bởi một kệ sách khổng lồ khoảng 8 mét", nơi từng tổ chức trình chiều 3D Mapping, cũng nổi tiếng là nơi đã diẽn ra buổi biểu diễn của nhóm nhạc YOASOBI trong Cuộc thi âm nhạc NHK Kohaku năm 2020.
- Địa chỉ: 3-31-3 Higashitokorozawa Wada, thành phố Tokorozawa, tỉnh Saitama
- Cách đi: Khoảng 10 phút đi bộ từ ga Higashi-Tokorozawa trên tuyến JR Musashino
- Giờ làm việc: 10:00~18:00 (Vào cửa trước 17:30)
- Đóng cửa: Thứ Ba hàng tuần (mở cửa nếu Thứ Ba là ngày nghỉ lễ)
4. TOYAMA Kirari (Toyama)
Khu phức hợp TOYAMA Kirari, nơi có Bảo tàng Nghệ thuật Thủy tinh Toyama, cũng là một công trình được thiết kế bởi Kengo Kuma. Thiết kế bên ngoài với sự kết hợp của đá granit, kính và nhôm, mang tới "Cảm giác giống với dãy núi Tateyama" có thể nhìn thấy từ thành phố Toyama. Tại bảo tàng, không chỉ có triển lãm "các tác phẩm nghệ thuật thủy tinh đương đại thuộc sở hữu của thành phố Toyama" mà còn có thể ngắm "Vườn nghệ thuật thủy tinh", nơi trưng bày các tác phẩm sắp đặt.
5. Koé Donuts Kyoto (Kyoto)
Cửa hàng sản xuất bánh Donut Koé Donuts Kyoto ở Nakagyo-ku, Kyoto, cũng được thiết kế bởi Kengo Kuma. Bên trong cửa hàng mang tinh thần "Thử thách với nội thất mềm mại và tiêu dùng bền vững bằng việc sử dụng tre từ Arashiyama, Kyoto", với ý tưởng "không gian giỏ tre dẫn lối vào bên trong", có tởi 572 chiếc giỏ tre đan 6 mắt truyền thống đã được sử dụng. Hãy điểm qua các sản phẩm mới của KOÉ DONUTS trong bài viết dưới đây.
5 tác phẩm tiêu biểu được Kengo Kuma đề cập trong sách của ông
1. Đài quan sát núi Kamero (Ehime)
Đài quan sát núi Kamero là một công trình do Kuma thiết kế nằm ở Oshima, thành phố Imabari, tỉnh Ehime. Theo cuốn "Kiến trúc sư, tăng tốc" (Shinchosha, 2013) của Kengo Kuma, ông đã đề xuất ý tưởng táo bạo về việc "che lấp đài quan sát ở trong núi", "đi ngược" với yêu cầu của thị trưởng địa phương lúc bấy giờ về "một đài quan sát nổi bật sẽ trở thành biểu tượng của thị trấn".
Kuma sau đó nhận xét về tác phẩm này, "Mong muốn xóa bỏ kiến trúc đã được kiến trúc hóa thành một hình thái thuần khiết nguyên thủy nhất, và "đài quan sát bị vùi lấp" là câu trả lời ngược đời đầy ương ngạnh.'" (Kengo Kuma, Zen Work, Yamato Shobo, 2022).
2. Bảo tàng Nghệ thuật Nakagawa Mazu Hiroshige (Tochigi)
Bảo tàng Nghệ thuật Nakagawa Hiroshige là một bảo tàng nghệ thuật của Utagawa Hiroshige (được biết đến với các tác phẩm ukiyo-e như "Tokaido 53 năm sau") nằm ở Nakagawa, quận Nasu, tỉnh Tochigi, Nhật Bản. Trong tác phẩm của Hiroshige, mưa được miêu tả bằng đường thẳng, và phía sau những đường thẳng đó là "các lớp khung cảnh như cầu và sông". Sự chồng chéo hài hòa giữa thiên nhiên và con người được "thể hiện trong các lớp lưới gỗ", tạo nên một tác phẩm mang đặc trưng "lưới gỗ khắp nơi, trên cả mái nhà và tường" ("Kiến trúc sư, Tăng tốc"). Hiện tại, một chiến dịch gây quỹ vốn cộng đồng đang được tiến hành để cải tạo công trình (tại thời điểm viết bài).
3. M2 (Tokyo)
Nằm ở phường Setagaya của Tokyo, M2 ban đầu được xây dựng như một phòng thí nghiệm thiết kế cho một nhà sản xuất ô tô. Tòa nhà lấy cảm hứng từ bức tranh "một ăng-ten theo phong cách tiên tiến của Nga đặt trên một cây cột Hy Lạp khổng lồ" do Kuma vẽ, và đã phải nhận những chỉ trích nặng nề sau khi hoàn thiện do hình dạng của nó bị cho là "biểu tượng của nền kinh tế bong bóng" ("Gửi tời những ai muốn trở thành một kiến trúc sư"). Tòa nhà hiện đang được sử dụng làm nhà tang lễ.
4. Ga Takanawa Gateway (Tokyo)
Ga Takanawa Gateway ở Minato-ku, Tokyo, là một ga JR được khai trương vào năm 2020, được biết đến là ga mới thứ 30 trên Tuyến Yamanote tròng vòng 49 năm. Theo quyển "Tổng hợp sự nghiệp", Kuma cho biết, "Để tạo ra một không gian ấm áp và mềm mại mà các nhà ga vào thế kỷ 20 không có, tôi đã tạo ra một khung mái kết hợp khung thép với gỗ tuyết tùng từ Fukushima, phủ các cột trụ và tường bên ngoài bằng gỗ, và sử dụng gạch giả gỗ đặc biệt để lát sàn."
5. Thư viện Haruki Murakami (Bảo tàng Văn học Quốc tế Đại học Waseda) (Tokyo)
Thư viện Haruki Murakami (Bảo tàng Văn học Quốc tế Đại học Waseda), cũng ở Shinjuku-ku, Tokyo, là một công trình trong khuôn viên Đại học Waseda mà Kuma đã thực hiện cải tạo. Công trình này được xây dựng sau khi Đại học Waseda nhận được quyên góp và kí thác các tài liệu của nhà văn hiện đang nổi tiếng trên toàn thế giới Haruki Murakami. Kuma đã cải tạo nó bằng cách "Tập trung vào cấu trúc đường hầm độc đáo trong tiểu thuyết của Haruki Murakami, tạo ra một 'lỗ hổng = đường hầm' được ốp gỗ ở trung tâm của tòa nhà" ("Tổng hợp sự nghiệp").
Danh ngôn của Kengo Kuma: Chuyên nghiệp và Một đời chỉ một lần (Nhất kì nhất hội)
Khi xuất hiện trên một chương trình của NHK, Kuma khi được hỏi "Chuyên nghiệp là gì?" (Kenichiro Motegi, Đội sản xuất "Chuyên nghiệp" của NHK, biên tập chương trình Phong cách làm việc chuyên nghiệp 15, Hiệp hội sản xuất Phát thanh Truyền hình Nhật Bản, 2007) đã trả lời như sau.
"Khi nói đến chuyên nghiệp, chúng ta có xu hướng hình dung đến việc thành thạo một kỹ thuật và làm đi làm lại cùng một việc, nhưng trên thực tế, tôi cảm thấy rằng các chuyên gia trong thời đại ngày nay là những người không lặp lại chính mình. Vì vậy, chuyên nghiệp là việc không lặp lại những việc giống nhau đến lần thứ 2.
Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một thời đại mà những cuộc gặp gỡ giữa con người với con người và giữa con người với sự vật, là những cuộc gặp gỡ chỉ một lần trong đời, rất có giá trị. Do đó, người có thể cụ thể hóa những cơ hội gặp gỡ nhất kì nhất hội đó, trở thành có 1 không 2, chính là sự chuyên nghiệp."
Trong cuốn sách "Gửi những ai muốn trở thành một kiến trúc sư", Kuma cũng nói về những dự án đã hoàn thành của ông, như Bảo tàng đá (Thị trấn Nasu, quận Nasu, tỉnh Tochigi) đã được ông xây dựng trong điều kiện "ngân sách bằng không" với sự hợp tác của các kỹ sư và thợ đá, Ngôi nhà tre để gợi nhắc về phong cách truyền thống của địa phương bên cạnh Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc (Trung Quốc: tác phẩm này đã được sử dụng trong một quảng cáo cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008), còn có Casa Umbrella (Ý: Milan Triennale) - ý tưởng về một "mái nhà lánh nạn" từ ô. Qua đó, có thể thấy được thái độ "chuyên nghiệp" của Kuma, khi ông liên tục thử thách bản thân, với các vật liệu khác nhau và trong các hoàn cảnh hạn chế về ngân sách và các trở ngại khác, không bị ràng buộc trong những khuôn khổ cố định.
Mục lục
- Tiểu sử kiến trúc sư Kengo Kuma
- Kiệt tác của kiến trúc sư Kengo Kuma (sơ bộ)
- Từ quán Starbucks tới Bảo tàng. 5 công trình tiêu biểu dễ tiếp cận dành cho khách du lịch
- 5 tác phẩm tiêu biểu được Kengo Kuma đề cập trong sách của ông
- Danh ngôn của Kengo Kuma: Chuyên nghiệp và Một đời chỉ một lần (Nhất kì nhất hội)